Cách tính trợ cấp thất nghiệp khi có nhiều sổ bảo hiểm xã hội
Khi người lao động có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên thì phải thực hiện gộp sổ theo đúng quy định, sau đó mới tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm khi đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Pháp luật hiện hành có quy định một người chỉ có thể sở hữu một sổ bảo hiểm xã hội duy nhất. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp do thay đổi công việc nhiều lần khiến người lao động sở hữu từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên. Trong trường hợp này, để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cần thực hiện gộp sổ.
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm; Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm xã hội duy nhất để theo dõi việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Đây cũng là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Trường hợp người lao động có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên thì phải thực hiện gộp sổ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Một người có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên ghi thời gian đóng bảo hiểm xã hội không trùng nhau, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thu hồi tất cả các sổ bảo hiểm xã hội, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các sổ bảo hiểm xã hội vào sổ mới.
Theo quy định tại Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp tùy từng khu vực.
Trong đó, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, trừ người đang hưởng lương hưu, lao động giúp việc gia đình.
Trường hợp người lao động ký nhiều hợp đồng lao động cùng lúc thì tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động được ký đầu tiên.
Người sử dụng lao động thuộc diện tham gia bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.