11:02 23/08/2010

“Cần chú ý nguồn vay ngoại tệ đáo hạn”

Thanh Hải

Quan điểm của ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, về điều hành thị trường ngoại hối những tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đến cuối tháng 7 ước đã tăng tới khoảng 34% so với cuối năm 2009.
Tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đến cuối tháng 7 ước đã tăng tới khoảng 34% so với cuối năm 2009.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng trong điều hành thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm cần phải lưu ý đến kỳ hạn trả nợ của các doanh nghiệp trước đây đã vay ngoại tệ chuyển đổi sang VND.

Bởi trong những tháng tới đây, ông Ngoạn dự báo, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp này sẽ làm tăng tổng cầu về ngoại tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán để cân đối cung cầu ngoại tệ để làm sao duy trì được sự ổn định trên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD lên 2,1% so với trước. Ông có nhận định như thế nào về đợt điều chỉnh này?

Thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều sức ép lên cung cầu ngoại tệ trên thị trường, nên tôi cho rằng, việc điều chỉnh này sẽ giúp cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Qua đó cũng giúp hạn chế nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Với mức điều chỉnh tăng khoảng 2% là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, trên thực tế tỷ giá không phải là yếu tố duy nhất quyết định cung cầu ngoại tệ trên thị trường, mà chỉ phần nào đó giúp cung cầu trên thị trường đỡ căng thẳng hơn. Thời điểm này, để cân bằng cung cầu ngoại tệ còn phụ thuộc nhiều vào tình hình nhập siêu, chính sách tài khóa, chính sách công... Chẳng hạn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu đến 80-90% nguyên liệu đầu vào nên tỷ giá không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thay đổi cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
 
Như vậy, tỷ giá chưa hẳn sẽ ổn định, ít nhất là từ nay đến cuối năm?

Điều chỉnh tỷ giá phần nào sẽ góp phần điều chỉnh lại cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, để có được sự ổn định từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan quản lý có liên quan cần tiếp tục theo dõi các diễn biến trên thị trường và phải dùng nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ mới tạo được sự cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Ngoài các giải pháp thuộc lĩnh vục tiền tệ cần có các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút ngoại tệ, khuyến khích gia tăng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tăng nguồn thu từ kiều hối và du lịch... Đồng thời, để cải thiện cán cân thanh toán cần có các biện pháp kiềm chế cầu về ngoại tệ, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thật sự thiết yếu.
 
Ông có nói đến việc Ngân hàng Nhà nước cần phải có những điều chỉnh hợp lý trên thị trường ngoại hối. Vậy, “điều chỉnh hợp lý” nên được hiểu thế nào, thưa ông?

Trước hết, theo tôi, lãi suất VND cần giữ ở mức cao hơn lãi suất ngoại tệ tương đương với mức kỳ vọng mất giá của VND so với ngoại tệ. Điều này phụ thuộc nhiều vào dự báo mức lạm phát từ nay đến cuối năm. Theo tôi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đang có lợi cho VND, nếu được giữ nguyên mức chênh lệch này từ nay đến cuối năm sẽ kích thích nhu cầu vay VND nhiều hơn.

Tuy nhiên, mức lãi suất của cả VND và ngoại tệ hiện đang được nhiều chuyên gia cho là quá cao. Cần có lời giải cho vấn đề này để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đây là một bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Tôi muốn nói rõ thêm là trong điều hành thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm cần phải lưu ý đến kỳ hạn trả nợ của các doanh nghiệp trước đây đã vay ngoại tệ chuyển đổi sang VND. Dự báo trong những tháng tới đây nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp này sẽ làm tăng tổng cầu về ngoại tệ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán để cân đối cung cầu ngoại tệ làm sao duy trì được sự ổn định trên thị trường.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu cán cân thanh toán được duy trì ổn định như hiện nay sẽ hạn chế được sức ép lên tỷ giá cuối năm.
 
Với sự điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động như thế nào đến lạm phát trong năm 2010?

Đương nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ gây tác động đến chi phí và giá thành của các doanh nghiệp, qua đó tác động đến giá cả và lạm phát cuối năm. Tuy nhiên, với mức độ điều chỉnh khoảng 2,1% thì mức ảnh hưởng thực tế đến lạm phát sẽ không đáng kể. Vấn đề là làm sao để thị trường không bị tâm lý sẽ gây ảnh hưởng bất lợi. Bởi vậy công tác thông tin tuyên truyền và công tác quản lý giá, nhất là ở các thành phố lớn cần phải được chú trọng.