17:19 15/03/2013

“Cần chung tay để vượt khó trong năm 2013”

Anh Minh

Lãnh đạo bộ ngành, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cùng chia sẻ quan điểm về quản trị thời kinh tế khó khăn

Từ góc nhìn của người đứng đầu doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch 
Hội đồng Quản trị Tập đoàn  Hoa Sen cho rằng khó khăn là thời điểm để các doanh 
nghiệp tự thay đổi, đi vào làm ăn nghiêm túc thay cho đầu cơ.
Từ góc nhìn của người đứng đầu doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn  Hoa Sen cho rằng khó khăn là thời điểm để các doanh nghiệp tự thay đổi, đi vào làm ăn nghiêm túc thay cho đầu cơ.
Diễn đàn với chủ đề “Quản trị khủng hoảng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 15/3 tại Hà Nội đã ghi nhận nhiều ý kiến thú vị từ các lãnh đạo bộ ngành, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bước sang năm 2013, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn rất lớn. Để vượt qua những khó khăn, thách thức này, ngoài sự nỗ lực của Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành, sự đồng thuận cùng chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, của các doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế là vô cùng quan trọng.

Vị thứ trưởng cho rằng để vượt qua các khó khăn hiện nay, trước hết bản thân các doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ việc tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí... khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần cân đối nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm nhằm huy động hợp lý các nguồn vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất được ổn định. Các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi phương thức huy động theo hướng đa dạng hoá việc huy động các nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về phía Bộ Công Thương, chương trình hành động của Bộ thực hiện các nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ đã được ban hành nhằm cụ thể hóa những giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Các chương trình xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh triển khai giúp mở rộng thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013 sẽ điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước mắt, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 12% và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.

Vẫn theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Bên cạnh đó, sẽ  điều hành các giải pháp tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn tiêu dùng thiết yếu và bảo đảm an sinh xã hội…

Từ góc nhìn của người đứng đầu doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn  Hoa Sen cho rằng khó khăn là thời điểm để các doanh nghiệp tự thay đổi, đi vào làm ăn nghiêm túc thay cho đầu cơ.

“Chúng ta phải đầu tư thật sự, không nên đầu cơ, phải có trách nhiệm với đồng vốn của mình”, ông Vũ nói, nhấn mạnh rằng sắp tới sẽ đầu tư thêm 70 triệu USD cho sản xuất để hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong ba năm nữa và tăng gấp đôi doanh thu hiện nay trong 5 năm nữa.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam cho biết ông quan tâm vấn đề lãi suất cao. “Khi kinh tế trì trệ, việc tiếp cận vốn thật khó khăn. Tôi từng làm việc trong ngành tài chính nên tôi rất hiểu tình hình hiện nay và mong muốn vấn đề này sẽ được cải thiện”, ông nói và nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để có thể cạnh tranh thu hút đầu tư với các quốc gia.