Cần có giải pháp phù hợp triển khai hiệu quả học bạ điện tử
Triển khai học bạ số giúp giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; giúp tăng tính minh bạch, bảo mật trong công tác quản lý và giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin một cách khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục...
Chiều 13/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thí điểm học bạ số.
Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng, hiện ngành Giáo dục đang tích cực triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, tiến tới triển khai ở tất cả các cấp học.
Triển khai học bạ số giúp giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; giúp tăng tính minh bạch, bảo mật trong công tác quản lý và giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin một cách khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.
Đây là giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ tạo được sự quyết tâm thực hiện của các lực lượng trong và ngoài ngành Giáo dục.
Theo báo cáo kết quả triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, tính đến hết ngày 12/8/2024, có 63/63 Sở giáo dục đào tạo đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ (hệ thống thử nghiệm).
Có 61 Sở giáo dục đào tạo đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về kho học bạ.
Có 59 Sở giáo dục đào tạo đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về kho học bạ số với 4.241.906 Học bạ số cấp tiểu học chiếm tỷ lệ 59,47% (trong tổng số 7.100.388 học bạ cấp tiểu học từ lớp 1 - lớp 4 trong năm học 2023-2024).
Các nhà trường cơ bản đã có phần mềm quản lý trường học của Sở xây dựng hoặc các nhà cung cấp phần mềm cung cấp; cán bộ quản lý, giáo viên đã làm quen với nghiệp vụ phần mềm quản lý trường học; cơ sở dữ liệu ngành về cơ bản có đủ thông tin cho quá trình khởi tạo, cập nhật học bạ số.
Hiện các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm học bạ số; ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện Học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ.
Quá trình triển khai thí điểm học bạ số thời gian qua cho thấy còn một số khó khăn liên quan đến công tác truyền thông, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tâm lý e ngại của một số giáo viên, cán bộ quản lý, sự vào cuộc chưa quyết liệt của một số địa phương…
Tại cuộc họp, những thuận lợi, khó khăn, tiến độ, kỹ thuật, những việc cần làm tiếp theo đã được trao đổi trên tinh thần đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp phù hợp để triển khai thí điểm hiệu quả tiến tới thực hiện đại trà học bạ số.
Đánh giá cao sự nỗ lực các đơn vị Vụ, Cục được giao đầu mối triển khai, các địa phương trong việc tích cực thực hiện thí điểm học bạ số, Bộ trưởng đồng thời đề nghị tập trung phân tích khó khăn của những địa phương chưa làm được để có giải pháp phù hợp.
Về định hướng triển khai, Bộ trưởng yêu cầu, triển khai học bạ số cho cấp tiểu học và trung học phải thống nhất trong cùng một hệ thống, không được có khoảng cách. Đây là việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý điều hành, phục vụ sự giám sát và thực hiện các dịch vụ xã hội nếu cần thiết. Hệ thống đó kết nối với dịch vụ công quốc gia và sử dụng được trong VNeID.
Bộ trưởng cũng lưu ý với các đơn vị Vụ, Cục được giao đầu mối triển khai thí điểm học bạ số về việc cần xác định lộ trình thời gian triển khai sao cho khả thi, làm rõ mô hình kỹ thuật, rà soát hệ thống văn bản quy định để đề xuất điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết…