12:07 18/06/2012

“Cần giảm gánh nặng thuế cho nhà đầu tư chứng khoán khi bị lỗ”

Hoàng Xuân

Những tồn tại trong chính sách thuế áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được VAFI phân tích

Cùng là hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng lại áp dụng hai phương pháp tính thuế khoán khác nhau và có khoảng cách rất lớn về nghĩa vụ nộp thuế.
Cùng là hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng lại áp dụng hai phương pháp tính thuế khoán khác nhau và có khoảng cách rất lớn về nghĩa vụ nộp thuế.
Những tồn tại trong chính sách thuế áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) phân tích và gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính vào cuối tuần qua.

Thông tư Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với lĩnh vực chứng khoán vẫn đang trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến từ các thành viên thị trường. Tuy nhiên, phần dự thảo liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân nhận được nhiều thắc mắc nhất.

“Chính sách thuế cho nhà đầu tư nước ngoài còn chưa rõ ràng và có thể ban soạn thảo chưa xem xét giải quyết những tồn tại của chính sách hiện hành”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, đã bắt đầu như vậy khi nói về chính sách thuế đối với khối ngoại.

Theo dự thảo, “các tổ chức khác, bao gồm các quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài được thành lập theo pháp luật nuớc ngoài... thực hiện nộp thuế thu nhập theo phương thức khoán: Đối với chuyển nhượng chứng khoán, thì số thuế phải nộp được xác định bằng 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra tại thời điểm chuyển nhượng...”.

Quy định này chưa rõ ràng ở chỗ: hiểu thế nào là chuyển nhượng chứng khoán? Sự khác nhau giữa chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn ra sao? Quy định về chuyển nhượng chứng khoán cho tất cả các công ty cổ phần hay chỉ cho công ty cổ phần đại chúng?

Cũng theo ông Hải, một trong những bất cập điển hình là tình trạng nhà đầu tư nước ngoài đang phải đóng thuế với mức quá cao đối với việc chuyển nhượng chứng khoán tại các công ty cổ phần không đại chúng, theo tinh thần Công văn 12501/BTC-CST ngày 20/9/2010 của Bộ Tài chính.

Văn bản này phân biệt: tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng, theo quy định của Luật Chứng khoán là chuyển nhượng chứng khoán, áp dụng quy định về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán; còn tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty cổ phần không thuộc trường hợp vừa nêu áp dụng quy định đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.

Từ cách phân biệt này, nhà đầu tư nước ngoài (không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam) khi đầu tư vào công ty đại chúng thì chịu thuế chuyển nhượng là 0,1% trên giá trị bán chứng khoán nhưng khi đầu tư vào công ty không đại chúng thì chịu mức thuế khoán là 25% trên chênh lệch giữa giá trị mua và giá trị bán. Cùng là hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng lại áp dụng hai phương pháp tính thuế khoán khác nhau và có khoảng cách rất lớn về nghĩa vụ nộp thuế.

“Cách phân biệt này không có cơ sở pháp lý, không logic nếu theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, bởi công ty đại chúng chỉ khác công ty không đại chúng ở số lượng cổ đông, còn về bản chất vẫn là công ty cổ phần. Khi nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần tức là chuyển nhượng chứng khoán”, đại diện VAFI giải thích thêm.

Để đánh thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thông lệ quốc tế sử dụng phương pháp thuế khoán tính trên tổng giá trị bán (như hiện nay áp dụng là 0,1%/tổng giá trị bán). Khi tính thuế chuyển nhượng với thuế suất 25% cho từng giao dịch, thì làm sao tính được toàn bộ chi phí như: chênh lệch tỷ giá đối với toàn bộ vốn đầu tư cho nhiều mã chứng khoán, chi phí hoạt động và trích lập dự phòng cho toàn bộ quỹ?

Hơn nữa, các quỹ đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, thông thường đầu tư vào nhiều doanh nghiệp ở nhiều thời điểm khác nhau và khi bán chứng khoán cũng tại nhiều thời điểm khác nhau, có cổ phiếu có lãi, có cổ phiếu thua lỗ, nhưng với bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam thì đa phần các thương vụ đều thua lỗ nhưng khi bán cổ phiếu có lãi thì toàn bộ những khoản đầu tư thua lỗ không thể được trích lập dự phòng để đưa vào chi phí như các tổ chức đầu tư trong nước.

Nếu hạch toán theo phương pháp 25% như tổ chức trong nước (được kê khai hạch toán đầy đủ tất cả chi phí) thì nhiều quỹ đầu tư nước ngoài khi kinh doanh thua lỗ nhẽ ra không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng họ vẫn phải nộp thuế khoán rất cao với một số thương vụ có lãi. Nếu Quỹ đầu tư nào kinh doanh hiệu quả và có lãi thì họ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức từ 50% - 80%, chứ không phải là 25%.

“Đây cũng là một trong những bất cập điển hình của Luật Thuế thu nhập cá nhân mà nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực”, ông Hải cho biết.

Một bất cập khác về thuế cũng đang làm khó các nhà đầu tư ngoại. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết, trong quá trình đi huy động vốn thành lập quỹ ở nước ngoài, họ đều căn cứ vào qui định: nhà đầu tư nước ngoài được thành lập theo pháp luật nước ngòai khi đầu tư vào chứng khoán (không phân biệt chứng khoán niêm yết hay chưa niêm yết) nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức thuế khoán, số thuế phải nộp được xác định bằng 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra của từng giao dịch chuyển nhượng (quy định tại tiết 2.2 Điểm 2 Mục III của Thông tư 100/2004/TT-BTC ngày 20/10/2004 - Thông tư đầu tiên về thuế trong lĩnh vực chứng khoán).

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài (đối tượng cần kêu gọi vốn) đều yên tâm về chính sách thuế đó. Tuy nhiên, trên thực tế sau quá trình đầu tư lâu dài, đến thời hạn đóng quỹ thì họ lại phải đóng rất nhiều thuế cao hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu, hệ quả là đã lỗ thì càng lỗ thêm do có thêm thuế hoặc nếu có lợi nhuận thì cũng bị giảm đi nhiều do chính sách  đã thay đổi. Điều này làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài bực bội, chán nản và bỏ đi, thậm chí từ bỏ cả ý định lập Quỹ để đầu tư vào cổ phiếu OTC.