Cần khuyến khích quỹ hưu trí, bảo hiểm tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán
Thu hút dòng vốn dài hạn bằng việc thiết kế chính sách khuyến khích quỹ hưu trí, bảo hiểm, quỹ đầu tư dài hạn tham gia thị trường, giảm phụ thuộc vào dòng vốn ngắn hạn và đầu cơ...

Trải qua hai thập kỷ rưỡi hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Trong sự phát triển đó, ngoài vai trò quan trọng của các cơ quan quản lý và vận hành thị trường thì không thể không nhắc đến những đóng góp của các thành viên trên thị trường như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và nhà đầu tư…
Trao đổi trên Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), nhấn mạnh nhìn lại chặng đường 25 năm chúng ta có thể thấy rằng vào giai đoạn sơ khai, vốn hóa của VN INDEX chỉ đạt chưa tới 300.000 tỷ đồng, tỷ trọng vốn hóa/GDP chỉ đạt 13% vào năm 2007. Tính tới hết tháng 5 năm 2025, vốn hóa 3 sàn đạt 8,2 triệu tỷ đồng, chiếm 68% GDP.
Về số lượng nhà đầu tư cũng từ 3.000 tài khoản nhà đầu tư cá nhân năm 2000, và đến hết tháng 6/2025 đã có hơn 10,2 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước, tương đương 10% dân số. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng nhanh chóng, cuối tháng 6/2025 đạt 48,6 nghìn tài khoản. Chiến lược từ năm 2025 đến năm 2030, giá trị vốn hóa của thị trường chúng ta còn rất nhiều room để tiếp tục tăng trưởng.
Quy mô huy động vốn mới của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng của thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn 2015-2020, quy mô huy động vốn mới của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khi thị trường bùng nổ vào năm 2021-2020, bình quân mỗi năm huy động 20.000 đến 30.000 tỷ đồng, trước khi sụt giảm trở lại khoảng 5.000 tỷ đồng năm 2023, và đang có sự cải thiện trở lại trong bối cảnh tích cực dần lên của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, đến cuối năm 2024, có 41 doanh nghiệp niêm yết đạt mức vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD. Trong đó, có những doanh nghiệp đạt mức vốn hóa trên 10 tỷ USD như VCB, BID, VIC, VHM…
Theo báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, có khoảng 180 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, quy mô vốn hóa gần 500.000 tỷ đồng, nhưng trong giai đoạn 2021-2022 thì chỉ có 5 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa với quy mô vốn hóa rất thấp (~ 600 tỷ đồng).
Trong giai đoạn 2023-2025, chúng ta có kế hoạch cổ phần hóa 30 doanh nghiệp nhà nước, nhưng cho tới hết Quý 2 năm 2025 vẫn chưa thực hiện được. "Chúng tôi mong rằng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa", ông Hoàn nói.

Đối với riêng nhóm các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và trong nước ghi nhận từng bước phát triển và sự đa dạng của nhóm các nhà đầu tư này. Từ việc có quỹ đầu tư nước ngoài đầu tiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cho tới sự thành lập của ETF ngoại đầu tiên (Vaneck Vietnam ETF) và sự tham gia của dòng vốn P-notes vào năm 2009, cho tới việc thành lập ETF nội địa đầu tiên của Việt nam năm 2014...
Trong thời gian tới, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, vai trò của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng.
Tổng giám đốc ACBS cũng cho rằng thời gian tới cần tập trung vào những nhóm giải pháp sau để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán: Thứ nhất là phát triển chất lượng thị trường theo hướng nâng tầm minh bạch, chuẩn mực và hiệu quả như việc tăng cường minh bạch thông tin, nâng chuẩn công bố thông tin theo thông lệ quốc tế (IFRS), chuẩn mực công bố thông tin bằng tiếng Anh, rút ngắn thời gian báo cáo tài chính, giám sát nghiêm hành vi thao túng, tạo niềm tin cho cả nhà đầu tư nội và ngoại.
Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm tài chính như phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp niêm yết, chứng quyền có bảo đảm, các sản phẩm liên kết chỉ số (index-linked), phục vụ nhu cầu đa dạng hóa danh mục và phòng ngừa rủi ro.
Thứ hai là phát triển quy mô thị trường, mở rộng độ sâu và bề rộng như việc gia tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết có chất lượng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết thực chất, đồng thời thu hút thêm doanh nghiệp tư nhân lớn lên sàn.
Tiếp theo cần tăng quy mô và năng lực trung gian tài chính như phát triển các công ty chứng khoán theo mô hình ngân hàng đầu tư, gia tăng vốn hóa, năng lực tư vấn, bảo lãnh phát hành và phân phối sản phẩm, đồng thời thu hút dòng vốn dài hạn bằng việc thiết kế chính sách khuyến khích quỹ hưu trí, bảo hiểm, quỹ đầu tư dài hạn tham gia thị trường, giảm phụ thuộc vào dòng vốn ngắn hạn và đầu cơ.
Thứ ba là cần hội nhập sâu với thị trường tài chính quốc tế như việc thúc đẩy nâng hạng thị trường bằng các giải pháp đẩy nhanh hoàn tất các yêu cầu về prefunding, “room” ngoại … nhằm hướng tới mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi theo MSCI và FTSE trong vòng 1–2 năm tới.
Bên cạnh đó, cần tích hợp công nghệ tài chính (fintech), tạo điều kiện phát triển mô hình đầu tư số, giao dịch trực tuyến, robo-advisory, tài sản số hóa (tokenized securities), tăng tiếp cận của nhà đầu tư thế hệ mới.
Cuối cùng là phát triển các trung tâm tài chính khu vực, như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và thúc đẩy kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc).