Cân nhắc sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội phụ huynh
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao cần cân nhắc rất thấu đáo...
Ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Oai.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thành Hưng nêu câu hỏi về việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa thời gian qua đã nảy sinh các vấn đề bất cập, trong đó theo phản ánh của báo chí, bộ sách Cánh Diều đã có những "hạt sạn". Do đó, đại biểu đề nghị xem xét lại vấn đề này.
Cử tri Lê Thành Hưng cũng đề nghị xem xét lại quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Bởi thời gian qua dư luận rất bức xúc và cho rằng hội này lập ra dường như là "cớ để các trường thu các khoản, quỹ".
Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay vấn đề đổi mới trong giáo dục phổ thông với tinh thần một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội.
Trong đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại việc trước đây chương trình có tính chất khung, còn sách giáo khoa là chỗ dựa căn bản để triển khai.
Còn giai đoạn đổi mới hiện nay chương trình được biên soạn một cách chi tiết và lấy đó làm chỗ dựa cho giáo viên để triển khai dạy, học, với sách giáo khoa sẽ là học liệu, tài liệu giúp giáo viên, học sinh triển khai chương trình...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ trước đây khi có một quyển sách giáo khoa thì việc dạy và học sẽ khuôn cứng trong đó, hay khi có một bộ sách giáo khoa thì không có gì so sánh, cứ thế làm theo.
Còn khi đổi mới, làm nhiều bộ sách giáo khoa là cách xã hội hóa, có nhiều nhóm tác giả, nhà xuất bản... cạnh tranh trong biên soạn. Khi cạnh tranh, các nơi sẽ phải cố gắng thể hiện rất tốt về nội dung, hình thức.
"Nguyên lý thị trường sẽ có tác dụng tốt trong đầu tư cho chất lượng. Chúng ta ghi nhận yếu tố tích cực của thị trường", ông Sơn nêu.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, việc dạy theo chương trình mới là thách thức với giáo viên. Trong đó các giáo viên với kinh nghiệm, năng lực tốt sẽ tương đối thuận lợi nhưng cũng có một số giáo viên thấy khó khăn.
Do đó, chủ trương của Bộ là phát huy giáo viên thích ứng tốt, hỗ trợ những người còn khó khăn.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thông tin trong thực tế triển khai năm lớp 1-2 vừa qua, nhiều giáo viên rất hào hứng.
"Trong các cuộc khảo sát giáo viên cũng rất ghi nhận những đổi mới của chương trình. Do vậy nếu muốn kết luận rằng chương trình như thế tốt hay không tốt cần có đánh giá rất bài bản, chứ không phán xét cảm tính", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm.
Về việc cử tri nêu bộ sách Cánh Diều có "hạt sạn", Bộ trưởng đề nghị cần chỉ rõ sạn ở chỗ nào, trang nào, số bao nhiêu để kịp thời soát xét, sửa chữa, đồng thời nhấn mạnh, nếu phát hiện sạn chỗ nào sẽ gửi cho nhóm tác giả, nhà xuất bản xử lý ngay.
"Còn nếu là câu chuyện sách giáo khoa lớp 1 đã qua vài năm được chỉnh sửa, soát xét. Quy trình của bộ thẩm định sách giáo khoa do các cá nhân, nhà xuất bản trình lên hiện đều cẩn thận nhất có thể", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, trong 3 năm qua đã có hơn 1.300 tác giả, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Do đó mong người dân đồng lòng, phối hợp để triển khai tốt chương trình, kịp thời phát hiện, báo về những chỗ chưa hợp lý, khuyết điểm.
Về quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định "đúng là vấn đề rất nhạy cảm". Thời gian đầu năm học, báo chí đã phản ánh về việc một số hội cha mẹ học sinh liên quan đến việc thu chi...
"Việc này Bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao cần cân nhắc rất thấu đáo", Bộ trưởng nói.