Cần quy chuẩn và hành lang pháp lý cho Edtech Việt phát triển
Tính đến tháng 6/2023 hơn 70 quỹ đầu tư rót hơn 400 triệu USD cho các startup Edtech Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Edtech tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm quy chuẩn và hành lang pháp lý…
Năm 2023, thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam đang trải qua biến động mạnh sau đại dịch. Trong vòng 5 tháng đầu năm nhiều startup lĩnh vực Edtech tại Việt Nam đã đón nhận vốn lớn từ các quỹ đầu tư và tập đoàn đa quốc gia đến từ các thị trường khu vực châu Á. Việt Nam được đánh giá là thị trường Edtech sôi động nhất Đông Nam Á hiện nay tuy nhiên vẫn còn tồn tại những rào cản về hành lang pháp lý và quy chuẩn để thực sự phát triển mạnh và bền vững.
Trong chương trình Đối thoại với chủ đề: “Edtech Việt Nam và xu hướng cá nhân hóa trong học tập” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức ngày 31-08-2023, ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency, đồng trưởng làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam, chia sẻ rằng vẫn có những thách thức đang tồn tại đối với Edtech Việt Nam nói chung và xu hướng cá nhân hóa học tập thông qua công nghệ nói riêng. Một trong những thách thức bao gồm khả năng tự học của người học và sự hỗ trợ từ phía chính phủ.
Về phía người học, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có giải pháp công nhận bằng cấp thông qua việc học trực tuyến. Điều này sẽ khiến cho các mô hình Edtech không được lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng có những quy định liên quan đến việc tích hợp giảng dạy trực tuyến vào lớp học. Đây là động thái tích cực khuyến khích các nhà trường ứng dụng Edtech trong giảng dạy.
Ngoài ra, bản thân các Edtech cũng phải chủ động đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về cách thức tổ chức các khóa học trực tuyến trong phạm vi cho phép để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý ngành.
Hiện nay một số trường học tại Việt Nam đã áp dụng thí điểm việc công nhận bằng cấp thông qua các khóa học trực tuyến. Đây sẽ là kinh nghiệm để Edtech đưa ra chính sách hợp lý khi triển khai những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trên cái nền tảng giáo dục trực tuyến.
Các chuyên gia tham dự đối thoại cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục nên tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn nữa để các doanh nghiệp Edtech có thể cùng đồng hành với các nhà trường trong hệ thống giáo dục của đất nước. Theo đó, các doanh nghiệp Edtech và nhà trường sẽ cùng đưa ra những phương án để giải quyết và phát triển các cái giải pháp công nghệ mới. Những vấn đề của công nghệ giáo dục phải được giải quyết từ những hoạt động bình thường nhất bao gồm việc triển khai quá trình công tác quản lý trong nhà trường. Bằng cách đó, sự kết nối giữa nhà trường và các Edtech sẽ tiếp tục tạo ra những giá trị cho sự phát triển giáo dục trong thời gian tới.
Ông Phạm Giang Linh, CEO Galaxy Education, cho rằng các nhà quản lý đặc biệt là Bộ Thông tin Truyền thông cần lưu tâm đến việc giáo dục trực tuyến hơn bởi vì bản chất của ngành sử dụng rất nhiều nội dung kỹ thuật số. “Việc kiểm soát và quản lý các thông tin kỹ thuật số là vô cùng quan trọng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến giáo dục. Chúng ta đều có thể thấy các bạn trẻ hiện nay luôn ưu tiên thời gian cho việc sử dụng Internet, do đó nội dung họ nhìn thấy phải rõ ràng và chính xác”, ông Linh nói.
Bà Đào Lan Hương, CEO Học viện công nghệ Teky cũng chia sẻ, cần phải có những giải pháp để quản lý Edtech. Ví dụ gần đây, AI trở thành cơn sốt trên toàn thế giới, tuy nhiên nếu như không có các biện pháp quản lý thích hợp thì những nội dung mà AI đưa ra có thể không chính xác, thậm chí còn bị lạm dụng xuyên tạc. Điều gây tổn hại là người học sẽ tiếp cận thông tin sai, không chính thống, sai lệch về tư duy.
Bên cạnh đó, bà Hương cho biết, việc mở cửa hệ thống trường công cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp làm Edtech. Theo số liệu, số lượng trường tư thục và trường quốc tế của Việt Nam chỉ chiếm khoảng độ 2,5 %, tức là hệ thống giáo dục của chúng ta là đang phụ thuộc vào hệ thống trường công.
Đặc biệt, ông Nguyễn Trí Hiển khuyến nghị, các doanh nghiệp nên nghĩ đến việc thành lập Liên minh Edtech, hỗ trợ nhau khi có sự giao thoa thông tin hoặc dữ liệu. Việc hỗ trợ lẫn nhau giúp giảm thiểu hành vi copy sản phẩm của công ty khác. Trong bối cảnh bùng nổ của Edtech gần đây, rất nhiều các đơn vị bắt đầu bắt chước sản phẩm giống nhau. “Ngoài ra, Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tổng cục Dạy nghề cần hợp tác để phát triển nguồn lực tại Việt Nam chẳng hạn sự đồng bộ về mặt dữ liệu, liên thông và định hướng trong giảng dạy”, ông Hiển nói.