Cần tài sản bao nhiêu để vào top 1% giàu nhất ở những nước giàu?
Việc gia nhập tầng lớp 1% giàu nhất thế giới chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là ở Monaco
Việc gia nhập tầng lớp 1% giàu nhất thế giới chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là ở Monaco.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo vừa ra của công ty môi giới bất động sản Knight Frank cho biết để lọt top 1% dân số giàu nhất ở Monaco - công quốc vùng Địa Trung Hải, nơi cư dân thường không phải đóng thuế thu nhập - lượng tài sản ròng mà một cá nhân cần sở hữu là khoảng 8 triệu USD.
Báo cáo mang tên 2021 Wealth Report đã khảo sát 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và nhận thấy, sau Monaco, Thụy Sỹ và Mỹ là những nước có ngưỡng cao tiếp theo để lọt top 1% giàu nhất. Tại hai quốc gia này, mức tài sản cần thiết để vào nhóm 1% tương ứng là 5,1 triệu USD và 4,4 triệu USD.
"Có thể nhìn thấy rõ ràng ảnh hưởng của chính sách thuế đối với giới nhà giàu", ông Liam Bailey, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank, phát biểu. "Kết quả này cũng phải ánh độ sâu và chiều rộng của thị trường Mỹ".
Báo cáo cũng cho thấy đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng mạnh mẽ khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. Ngưỡng để gia nhập tầng lớp 1% ở Monaco cao gấp khoảng 400 lần so với ở Kenya - nước có thứ hạng thấp nhất trong cuộc khảo sát của Knight Frank.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 2 triệu người ở quốc gia châu Phi này đã rơi vào cảnh đói nghèo vì cuộc khủng hoảng Covid-19. Trái lại, theo số liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, top 500 người giàu nhất thế giới đã chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng thêm tổng cộng 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2020, trong đó hai tỷ phú Mỹ Elon Musk và Jeff Bezos là hai người có mức tăng tài sản lớn nhất.
Cũng theo báo cáo của Knight Frank, Mỹ là nước có số người siêu giàu (ultra-high net-worth individua - UHNW, những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) nhiều nhất, cho dù tốc độ tăng trưởng tài sản ở những quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc và Hồng Kông đã tăng mạnh gần đây. Tại Mỹ, số cá nhân đạt mức tài sản như vậy là 180.100 người, so với 70.400 người ở Trung Quốc.
Giới tỷ phú ở châu Á-Thái Bình Dương hiện sở hữu tổng tài sản 2,7 nghìn tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với ở thời điểm cuối năm 2016. Khu vực này đượ dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng số cá nhân siêu giàu trong thời gian từ 2020-2025, trong đó Ấn Độ và Indonesia sẽ là hai trong những số những nước có mức tăng mạnh nhất. Singapore cũng sẽ là một quốc gia có số lượng người siêu giàu tăng mạnh, bởi đảo quốc này có sức hút lớn đối với nhiều tỷ phú nhờ những yếu tố như mức sống và những quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư, theo Knight Frank.
Việc giới giàu ngày càng giàu lên và chi phí gia tăng đối với các chính phủ do ứng phó với đại dịch đã dẫn tới việc một số quốc gia áp dụng hoặc xem xét áp dụng thuế tài sản. Hơn 1/3 số nhà tư vấn cho khách hàng giàu có mà Knight Frank khảo sát trong báo cáo này nói rằng thuế là một mối lo ngại lớn đối với khách hàng của họ.
"Các chính phủ đã chi tiêu nhiều, và giờ là lúc đặt ra câu hỏi: ‘Ai sẽ là người phải trang trải cho tất cả những chi phí này", ông Bailey nói.