20:00 02/03/2022

Cần Thơ đề xuất chi 2.728 tỷ đồng làm tuyến đường mở rộng kết nối vùng

Dũng Hiếu

Với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.728 tỷ đồng, UBND tỉnh Cần Thơ vừa đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA đối với Dự án Phát triển bền vững TP. Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu...

Thành phố Cần Thơ - Ảnh sưu tầm
Thành phố Cần Thơ - Ảnh sưu tầm

Báo cáo đã được UBND thành phố Cần Thơ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo báo cáo đề xuất, nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

 

Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.728 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn nước ngoài hơn 1.868 tỷ đồng (100% vốn xây lắp); vốn trong nước hơn 860 tỷ đồng.

Dự án có 2 hợp phần chính gồm: Hợp phần 1 là nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ – Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ); hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2026.

Theo đó, hợp phần 1 là nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ – Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ) dài 10,2 km, vốn hơn 889 tỷ đồng.

Hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ) dài 27,3 km, vốn hơn 1.839 tỷ đồng.

Sau khi dự án hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo động lực liên kết, thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị, dân cư hiện tại, đặc biệt là sẽ tăng khả năng kết nối thuận tiện giữa thành phố Cần Thơ với thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, thúc đẩy phát triển thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang.

Về dự kiến tiến độ giải ngân, năm 2022 sẽ bố trí 720 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế, giải phóng mặt bằng…. Năm 2023, bố trí 1.020 tỷ đồng để tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Năm 2024 bố trí 800 tỷ đồng để thi công xây dựng và năm 2025 bố trí phần còn lại để hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình.

UBND thành phố Cần Thơ, cho biết hiện đang triển khai 3 dự án vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài. Căn cứ dự kiến thu ngân sách địa phương từ năm 2021-2025 và kế hoạch vay và trả nợ vay ngân sách cấp thành phố giai đoạn 2021-2025, nếu dự án đề xuất được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nguồn ngân sách trả nợ cho các dự án trung bình là 390 tỷ đồng mỗi năm, đảm bảo khả năng cân đối và chi trả.

Về phương án trả nợ, Cần Thơ sẽ cân đối từ nguồn thu khai thác quỹ đất; các nguồn được cân đối trong nguồn thu, chi ngân sách hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác để trả nợ theo thời hạn cam kết với nhà tài trợ.

Về dự án đầu tư xây dựng đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang và dự án nâng cấp, mở rộng đường nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ (đoạn thuộc thành phố Cần Thơ), UBND tỉnh cho biết, đây là hai trong số 8 dự án giao thông trọng điểm đang được thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện.

Các dự án này có vốn đầu tư lớn, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối nội tỉnh của Cần Thơ và của Cần Thơ với các địa phương trong vùng. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất là tuyến đường vành đai phía Tây dài 19,4 km, vốn đầu tư 3.840 tỷ đồng, xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2026.

Tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn đi qua quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, nối với Quốc lộ 61C. Dự án có mặt đường rộng 80 m; trong đó, phần xe chạy rộng 30 m, vận tốc 60 - 80 km/h.

Cần Thơ là một thành phố trực thuộc trung ương, hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ hiện là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng, Hải Phòng.

 

Trước đó Nghị quyết 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan và thành phố Cần Thơ chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời Chính phủ cũng chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải triển khai.

Trong đó có nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long;

Điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung thành phố Cần Thơ theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long;

Phát triển các đô thị vệ tinh tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai; khu đô thị sinh thái huyện Phong Điền; đô thị truyền thống quận Ninh Kiều; đô thị hiện đại tại các quận: Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt; thực hiện thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị ở một số quận trong giai đoạn 2021 - 2025, từng bước nhân rộng ra toàn Thành phố sau năm 2025.