17:46 10/02/2022

Sắp đầu tư 44.300 tỷ đồng làm cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Xuân Nghi

Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, dự kiến sẽ khởi công năm 2023, với tổng mức đầu tư 44.300 tỷ đồng, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc địa phận TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang và điểm cuối tại cảng nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng…

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương vừa thông xe kỹ thuật vào tháng 01/2022, là một trong bảy dự án cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sắp được triển khai.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương vừa thông xe kỹ thuật vào tháng 01/2022, là một trong bảy dự án cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sắp được triển khai.

Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (gọi tắt là Ban Mỹ Thuận) vừa có tờ trình Bộ Giao thông vận tải Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, xin ý kiến thẩm định.

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Mỹ Thuận, sắp tới đơn vị này sẽ phối hợp các bên liên quan hoàn chỉnh báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ liên quan dự án. “Việc dự thảo tờ trình để trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến cao tốc theo hình thức đầu tư công, phía Ban Mỹ Thuận cũng sẽ tập trung làm việc với các đơn vị liên quan để sớm hoàn thành”, ông cho hay.

Dự án cao tốc dài nhất Miền Tây Nam bộ này, có điểm đầu kết nối với quốc lộ 91 thuộc địa phận TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang và điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong hơn 188 km toàn tuyến, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ khoảng 38 km,đoạn Hậu Giang 37 km, và khoảng 56 km đi qua tỉnh Sóc Trăng. Khi hoàn thiện, tuyến cao tốc này sẽ gồm 6 làn xe với chiều rộng 32,25 m.

Bản đồ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km.
Bản đồ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km.

Cũng theo ông Thi, giai đoạn 1 dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được nghiên cứu xây dựng 4 làn cao tốc, rộng 17 m, vận tốc dự kiến 80 km/h. Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước cùng các nguồn khác để triển khai theo hình thức đầu tư công. Dự kiến, việc thi công tuyến đường thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với chiều dài khoảng 188km đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Theo đó, dự án (giai đoạn 1) có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 52.363 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2021 – 2027. Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là 14.248 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm định Nhà nước tiến hành thẩm định làm cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, kỳ họp lần thứ 3 vào tháng 5/2022 sắp tới.

Vì một số khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang. Tỉnh này sau đó đã xin ý kiến Chính phủ về chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP - BOT sang hình thức đầu tư công theo Công văn số 2440/VPCP-CN ngày 07/4/2021.

Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng năm quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư cả ngành giao thông vận tải... Trong các dự án ưu tiên đầu tư đó có các tuyến đường bộ cao tốc, như: Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến Cần Thơ - Cà Mau; tuyến Mỹ An - Cao Lãnh; tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá; tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh. Song song cũng chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (khoảng 10 tỷ USD), đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng.

Sáu tuyến cao tốc này cùng với tuyến cao Trung Lương – Mỹ Thuận vừa hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào ngày 19/01/2022 là bảy dự án cao tốc trục dọc và trục ngang với tổng chiều dài gần 1.000 km. Hai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là các tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long, và đã được Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Những tuyến này khi hoàn thành sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho các tuyến quốc lộ 1, tuyến N1, tuyến quốc lộ 91 đang quá tải, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với nước bạn Campuchia và các nước Đông Nam Á.

Về tuyến N1, đây là trục giao thông thứ năm (cùng với bốn tuyến trục khác gồm: quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 60) kết nối hệ thống đường hành lang ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dọc biên giới Tây Nam của Việt Nam. Đầu tuyến N1 kết nối với điểm cuối tuyến quốc lộ 14C tại thị trấn Đông Thành, (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Lộ trình đi qua: Đức Huệ - Mỏ Vẹt xã Thuận Bình và Xã Tân Hiệp - Bình Hiệp - Tân Hồng - Hồng Ngự - Tân Châu - Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên, qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Tổng chiều dài toàn tuyến N1 là 235 km.

 

Hai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là các tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long, và đã được Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.