16:56 28/11/2024

Canada điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm sơ mi rơ moóc Việt Nam

Vũ Khuê

Vụ việc điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Việt Nam liên quan đến việc Canada áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Trung Quốc...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết ngày 25/11/2024, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) thông báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Việt Nam.

Vụ việc được điều tra theo Đạo luật các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA), dựa trên cáo buộc lẩn tránh thuế từ Việt Nam đối với phán quyết của Tòa án thương mại quốc tế Canada (CITT) ban hành ngày 18/2/2022 trong vụ việc Điều tra số NQ-2021-005 về việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời kỳ điều tra từ 01/10/2020 đến 30/9/2024.

Vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp gốc với Trung Quốc được CBSA khởi xướng từ năm 2021 và bị áp thuế từ năm 2022.

Theo đó, sản phẩm bị điều tra được phân loại chủ yếu theo mã HS: 8716.39 và có thể được phân loại theo mã HS: 8706.00, 8716.40, 8716.80 và 8716.90. Mức thuế hiện hành áp dụng với sản phẩm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc là 126,4% (thuế chống bán phá giá) và 12.370 Nhân dân tệ/đơn vị (thuế chống trợ cấp).

Trong vụ việc lần này với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Việt Nam, nguyên đơn là công ty Max-Atlas International Inc. (cũng là nguyên đơn trong vụ việc gốc với Trung Quốc), cáo buộc tồn tại hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua việc hàng hóa được lắp ráp và hoàn thiện tại Việt Nam (quá trình sản xuất tại Việt Nam là không đáng kể), từ các bộ phận hoặc linh kiện cấu thành (chiếm phần lớn chi phí sản xuất) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo quy định, CBSA sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 180 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra. Tuy nhiên, trong trường hợp gia hạn, vụ việc có thể kéo dài tới 240 ngày.

Cũng trong ngày 25/11/2024, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada khởi xướng rà soát hành chính nhằm cập nhật các giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với sản phẩm ghế bọc đệm (UDS) có nguồn gốc xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam của 8 nhà xuất khẩu.

Ngoài ra, CBSA cũng sẽ rà soát các công ty liên kết và các nhà sản xuất không liên kết hoặc các công ty thương mại tham gia vào sản xuất và bán các sản phẩm UDS bị điều tra sang Canada thông qua một trong 8 nhà xuất khẩu.

Nhóm 8 nhà xuất khẩu này được coi là bị đơn bắt buộc và có trách nhiệm chuyển tiếp Bản câu hỏi điều tra của CBSA cho các bên liên quan.

Trong trường hợp các bên liên quan không cung cấp đầy đủ thông tin do CBSA yêu cầu, thì thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng với mức 188,0% đối với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc và 179,5% đối với hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam.

Các nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất hàng hóa bị điều tra (ví dụ: công ty thương mại, nhà cung cấp...) sẽ chỉ được tính giá trị thông thường riêng nếu nhà cung cấp, nhà sản xuất của họ cung cấp đủ thông tin để cho phép xác định giá trị thông thường và giá xuất khẩu.

Trước thông tin 2 vụ việc trên, Cục Phòng vệ thương mại cho biết điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc là vụ việc điều tra chống lẩn tránh đầu tiên của Canada đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Do vậy, Cục khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần nghiên cứu quy định về điều tra chống lẩn tránh của Canada.

Cả doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm sơ mi rơ moóc và ghế bọc đệm cần cung cấp đầy đủ thông tin được yêu cầu và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Canada trong suốt quá trình điều tra, rà soát; giữ liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ kịp thời.