Cảnh báo nguy cơ từ bút tiêm “thần dược giảm cân”
Sau trào lưu thực phẩm chức năng, cà phê giảm cân… hiện nay trên thị trường lại đang “hot” một loại bút tiêm có xuất xứ nước ngoài, được quảng cáo là có khả năng giúp giảm cân nhanh chóng mà không cần ăn kiêng hay tập luyện...
Chỉ cần lên các trang mạng xã hội, gõ từ khóa “bút tiêm giảm cân”, chúng ta sẽ thấy hàng loạt bài quảng cáo. Một tài khoản mạng xã hội Facebook rao thông tin: “Bút tiêm giảm cân Spcell Lab GLP-1 Semaglutide được FDA công nhận dành cho người thừa cân, béo phì. Với thành phần chính là Semaglutide - được chứng minh lâm sàng giúp hỗ trợ giảm cân".
Trên các nền tảng mạng xã hội, có rất nhiều tài khoản, hội nhóm đăng bán công khai sản phẩm giảm cân trên. Trong đó, đa số người bán khẳng định khách hàng sẽ giảm trên 5% cân nặng sau điều trị 3 tháng, giảm 9 - 10% cân nặng sau điều trị 6 - 12 tháng. Đồng thời, người sử dụng sẽ giảm diễn tiến đến đái tháo đường tuýp 2, giảm cholesterol máu, giảm gan nhiễm mỡ...
Một trang mạng bán bút tiêm giảm cân nội địa Nhật Bản quảng cáo: “Chuyên gia khuyên bạn sử dụng bút giảm cân Spcell Lab CLP-1 Semaglutide được FDA (Hoa Kỳ) kiểm chứng để duy trì vóc dáng. Thành phần chính là Semaglutide 2.0,1mg/1,5ml – một chất chủ vận thụ thể peptide-1 giống glucagon, hoạt động trên các thụ thể CLP-1 trong tế bào não đã được chứng minh lâm sàng giúp hỗ trợ giảm cân, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu một cách tự nhiên, giảm đường huyết và phòng, chống nguy cơ đột quỵ”.
Bao bì phía ngoài toàn chữ tiếng Nhật, người mua chủ yếu được hướng dẫn sử dụng qua người bán hàng trên mạng, không xác định được nguồn gốc và chất lượng. Người bán hướng dẫn cách sử dụng là tiêm vào vùng da dưới bụng, cánh tay; 1 tuần tiêm 1 lần. Tùy theo lượng cân muốn giảm sẽ dùng lượng bút tiêm khác nhau, giảm 3 - 4kg tiêm 2 bút; 6 - 8kg tiêm 4 bút; 10 - 15kg tiêm 8 bút...
Một trang mạng khác thì quảng cáo bút giảm cân Saxenda của Đan Mạch với công dụng có thể giảm tới 8cm vòng eo. Liều khởi đầu của Saxenda là 0,6mg/lần vào mỗi ngày, nếu tăng liều đến 3,0mg/lần vào mỗi ngày và mức tăng mỗi lần là 0,6mg. Giá bán của các sản phẩm này tại các trang mạng dao động từ 1,2 đến 2 triệu đồng/bút.
Bên cạnh bút tiêm giảm cân, trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đang bán khá nhiều loại thuốc tiêm giảm mỡ. Việc mua bán rất đơn giản, chỉ cần một lệnh đặt hàng thì sản phẩm được chuyển đến tận nơi. Chẳng hạn, sản phẩm giảm mỡ Ganavline có giá 695.000 đồng/hộp 10 lọ; sản phẩm “phá hủy mỡ vĩnh viễn” Slim Queen có giá 450.000 đồng/2 lọ; tinh chất giảm mỡ Lri Sline có giá từ 2,8 - 3,5 triệu đồng/hộp 6 lọ...
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, cho biết hiện nhiều người dùng tự ý mua và tiêm thuốc giảm cân mà không có hướng dẫn từ bác sĩ. Một trong những loại sản phẩm được ưa chuộng hiện nay là thuốc thuộc nhóm đồng vận GLP-1, được nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường, giúp kích thích sản xuất insulin và làm chậm quá trình tiêu hóa nhằm kiểm soát đường huyết. Thuốc còn có tác dụng giảm cảm giác đói, thèm ăn.
“Tuy nhiên, thuốc tiêm giảm cân thường chỉ được khuyến nghị cho các trường hợp béo phì nghiêm trọng và có ít nhất một bệnh liên quan đến cân nặng như rối loạn đường huyết hoặc đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc ngưng thở khi ngủ. Việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng đều cần tuân thủ đúng liều lượng và có sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ”, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn nói.
Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cũng cảnh báo, việc tự mua các sản phẩm qua mạng xã hội, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng là vô cùng nguy hiểm. Những sản phẩm này có thể là hàng giả, kém chất lượng, chứa các thành phần không an toàn, gây nguy cơ dị ứng, sốc phản vệ và nhiều biến chứng khác. Ngoài ra, việc tự tiêm mà không có kiến thức y khoa còn có thể dẫn đến nhiễm trùng và các tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể.
Đồng tình, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết ở Việt Nam hiện có duy nhất GLP-1 là Liraglutide được chỉ định vừa điều trị đái tháo đường, vừa điều trị béo phì được phép sử dụng, nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Do chưa được cấp phép nên hiện nay thuốc Spcell CLP-1 bán trôi nổi trên mạng là không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một số quốc gia như: Canada, Úc, và một số quốc gia châu Á đã cảnh báo về chất lượng của các thuốc này trên thị trường.
Theo các bác sĩ, cách CLP-1 giảm cân không phải chỉ dựa vào chữa tiểu đường mà chủ yếu dựa vào ảnh hưởng của thuốc này lên não. Khi đưa một lượng lớn vào cơ thể sẽ tác động lên não bộ gây mất cảm giác thèm ăn, thậm chí chán ăn khiến cho người sử dụng ăn ít đi, giảm cân. “Không phải ai cũng có thể giảm cân giống nhau, đơn giản là do cách cơ thể mỗi người hấp thụ thức ăn và chuyển hoá chất dinh dưỡng khác nhau .
Có người ăn 100g mỡ và hấp thụ vào người 50g, trong khi có người cũng ăn 100g mỡ nhưng chỉ hấp thụ 10g. Do lượng hấp thụ khác nhau nên rủi ro tăng cân cũng khác nhau. Vì vậy, tất cả những thuốc điều trị béo phì cần phải có chỉ định của bác sĩ, vì béo phì do nhiều nguyên nhân. Người dân không tự ý mua thuốc giảm cân trên mạng, không có chỉ định của bác sĩ để sử dụng”, bác sỹ Lâm Văn Hoàng cho biết.
Theo các bác sỹ, thuốc GLP1 có tác dụng phụ hay gặp là ói mửa, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đau dạ dày, tụt đường huyết, viêm dạ dày hay viêm ruột. Nguy hiểm nhất là tăng rủi ro phát triển ung thư tuyến giáp C-cell (dù rất thấp) và viêm tuyến tụy cấp tính (Pancreatitis). Vì vậy, thuốc trên không nên dùng với những bệnh nhân có tiền sử ung thư tuyến giáp hay loại ung thư nội tiết MEN2.
Việc tự giảm cân không phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng có thể khiến các bệnh nền như: tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận… nặng hơn. Theo bác sỹ Hoàng, điều trị béo phì không phải chuyện ngày một ngày hai mà cả một quá trình cần có đủ thời gian để giảm cân bền, hiệu quả, tránh tăng cân lại. Người bệnh cần thăm khám với bác sỹ, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, đưa ra giải pháp điều trị kết hợp dinh dưỡng, vận động, thuốc, quản lý bệnh nền, giảm nguy cơ biến chứng.
Trước đó, trên mạng xã hội của nhiều quốc gia đã rộ lên trào lưu sử dụng thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 Ozempic để giảm cân. Cơn sốt này dẫn đến hệ luỵ người mắc tiểu đường thì không có để dùng còn người dùng giảm cân theo trào lưu có thể gặp phải những tác dụng phụ không ngờ tới.
Theo website về bệnh tiểu đường của Anh quốc (Diabetes UK), các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Ozempic có thể bao gồm táo bón và tiêu chảy, trong khi các tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm thay đổi vị giác và viêm tụy cấp. Các tác dụng phụ phổ biến liên quan đến tiêu hóa bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy... Còn theo GoodRx Health, hai loại thuốc Ozempic và Wegovy có nhiều rủi ro giống nhau, bao gồm nguy cơ gây viêm tụy, bệnh túi mật và tổn thương thận.