10:06 16/04/2011

Câu chuyện cuối tuần: Tiền “bẩn”

Sơn Hà

Vụ việc dưới đây mới phát hiện được ở Trung Quốc, nhưng không phải ở Việt Nam không có những câu chuyện tương tự

Bánh bao bẩn phát hiện ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: CCTV/Xinmin.
Bánh bao bẩn phát hiện ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: CCTV/Xinmin.
Vụ việc dưới đây mới phát hiện được ở Trung Quốc, nhưng không phải ở Việt Nam không có những câu chuyện tương tự. Nhưng cho dù là xảy ra ở đâu, thì hành vi kinh doanh thiếu đạo đức kiểu này cũng thật đáng lên án.

Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 11/4 đưa tin, gần đây, tại Thượng Hải, người ta đã phát hiện nhiều cửa hàng, trong đó có cả các siêu thị lớn, bày bán loại bánh bao "tái chế" từ hàng quá hạn. Loại bánh bao bẩn này có thể làm hại sức khỏe người tiêu dùng.

Theo CCTV, mỗi ngày có hơn 30.000 chiếc bánh bao độc hại này được đưa vào bán ở các cửa hàng thực phẩm, siêu thị. Một số siêu thị lớn ở Thượng Hải như Hualian, Lianhua, Dia... cũng có bán loại bánh "tái chế" này.

Phóng viên CCTV đã xâm nhập cơ sở sản xuất của Công ty thực phẩm Shanghai Shenglu và phát hiện được công nhân tại xưởng đã thay đổi nhãn mác sản phẩm. Với những chiếc bánh đã quá hạn hai ngày thì được thay đổi lại ngày sản xuất mới.

Còn với những sản phẩm đã quá hạn hơn một tuần và bị các đại lý trả lại, thì được cho vào lò tái chế để "hô biến" thành bánh bao mới. Công ty này còn bổ sung cho "mẻ bánh mới" đường hóa học, chất bảo quản, chống thối, chất tẩy trắng cùng một số chất tạo màu khác.

Chưa hết, theo CCTV, các chất hóa học sử dụng trong quá trình "làm mới" bánh bao được cho với số lượng rất tùy tiện. Một công nhân làm việc tại xưởng được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời cho biết, "tôi sẽ không ăn chúng, kể cả lúc đói. Chúng đã bị nhuộm màu".

Ngay sau khi CCTV phát đi bản tin trên, hôm 12/4, chính quyền Thượng Hải đã lập tổ điều tra vụ việc này. Hai ngày sau, hôm 14/4, các nhà chức trách địa phương đã bắt giữ 5 đối tượng tình nghi, trong đó có cả giám đốc công ty Shanghai Shenglu.

Theo cơ quan điều tra, mặc dù chỉ có 8 công nhân và mặt hàng chủ yếu là bánh bao và bánh kẹo từ bột mỳ, nhưng doanh thu hàng năm của Shanghai Shenglu lên tới 275.000 USD, trong đó doanh thu từ bánh bao chiếm tới 2/3.

Mặc dù người liên đới đã bị bắt, bánh bao bẩn đã được lôi ra khỏi các kệ hàng, nhưng theo CCTV hôm 15/4, vụ xì-căng-đan này đã đánh mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm, cũng như uy tín của các đại lý bán lẻ tại địa phương.

Hầu hết những người tiêu dùng tham gia trả lời câu hỏi của CCTV vẫn tỏ ra nghi ngại về an toàn thực phẩm. Cô Gao, một người tiêu dùng, cho biết, cô thường ăn bánh bao trong bữa sáng và chọn mua bánh bao ở siêu thị vì tin rằng chúng sạch sẽ và an toàn, nhưng giờ cô sẽ phải thay đổi cách nghĩ này.

Đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được nói tới ở Trung Quốc. Đình đám nhất trong vài năm trở lại đây là vụ sữa melamine làm 6 trẻ em thiệt mạng và hàng trăm bé khác bị suy thận. Gần đây, người ta lại phát hiện gian thương dùng chất thuộc da hòa vào sữa, cũng để tăng độ đạm.

Theo một bài viết trên trang Massogroup, đạo đức kinh doanh là khái niệm tưởng như rất xa xỉ nhưng thực tế lại rất đời thường. Một doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh, sẽ không kiếm lời bằng cách lừa dối khách hàng, hủy hoại môi trường, hay bằng sự bóc lột người lao động…

Ai cũng hiểu đã gọi là kinh doanh thì phải có lãi. Không ai chấp nhận việc đi buôn mà chịu lỗ, nhưng tối ưu hóa lợi nhuận kinh doanh bằng mọi thủ đoạn, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người khác thì quả là không có đạo đức.