07:00 13/10/2022

CEO IPPG: Nhân viên là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp để "trụ vững" và "bứt phá"

Phúc Minh

Nhờ có chiến lược giữ chân nhân sự và khách hàng, IPPG đã sớm vực dậy và có được tăng trưởng doanh số ấn tượng ngay sau đại dịch...

Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)  Ảnh - Chu Xuân Khoa.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Ảnh - Chu Xuân Khoa.

Chia sẻ tại Cuộc đối thoại và giao lưu – Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc với Chủ đề “Khát vọng Kiến tạo và Phát triển Thương hiệu Việt Nam Xanh tại lễ Vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của chuyển đổi số đối với mỗi doanh nghiệp.

Đặc biệt khi yếu tố này đã giúp doanh nghiệp giữ chân được nhân sự và khách hàng, qua đó trụ vững và bứt phá sau đại dịch Covid-19. 

Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, trước đại dịch Covid-19 xảy ra, IPPG đã suy nghĩ về việc chuyển đổi số, làm thế nào để 25 công ty thành viên của IPPG  vẫn làm việc nhanh gọn, tất cả các số liệu ban lãnh đạo đạo dù ở đâu cũng có thể nhìn được trên điện thoại. Vì thế, khi đại dịch ập đến, hơn 1.500 cửa hàng trên toàn hệ thống, cũng như các dự án dang dở khác chỉ cần điều chỉnh lại một chút về vấn đề vận hành online.

Nhờ đó, dù TP. HCM trải qua hai lần "lockdown", chiến lược này đã được truyền tải mạnh mẽ và giúp công ty trụ vững trong giai đoạn đại dịch cam go nhất.

“Là doanh nghiệp bán lẻ với 25.000 nhân viên, chúng tôi luôn đặt an toàn của nhân viên lên trên hết, bởi vì nhân viên chính là tài sản quý giá. Đặc biệt, trong ngành bán lẻ nhân sự phải được đào tạo, nhất là bán lẻ hàng hóa cấp cao, chúng tôi đã rất tốn thời gian để đào tạo và phải có sự thẩm định của các doanh nghiệp nước ngoài. Họ phải xác nhận tay nghề thì nhân viên đó mới được bán trong một cửa hàng sang trọng cấp cao của chúng tôi”, bà Lê Hồng Thủy Tiên nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh - Chu Xuân Khoa. 
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh - Chu Xuân Khoa. 

Cũng trong thời điểm TP. HCM giãn cách, doanh nghiệp đã phải đưa ra phương án bảo đảm an toàn cho nhân viên là trên hết, đặc biệt không để nhân viên mất việc. Mặc dù điều này khiến doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn, song theo bà Tiên đó là chi phí này xứng đáng như một khoản đầu tư, làm sao để phục hồi nhanh, bước đi nhanh.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, đại dịch dù xảy ra, nhưng sau cơn mưa trời lại sáng, chúng ta không thể co cụm, sợ hãi, không có cơ hội để vực dậy", CEO IPPG chia sẻ.

Nhờ đó, sau đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp đã mất nhân sự, đứt gãy chuỗi cung ứng, phải có thời gian ngưng trệ và vực dậy nhưng doanh nghiệp này đã tính toán thời gian đại dịch phải có được doanh số bằng mọi cách.

"Trong các nền tảng điện tử, chúng tôi tiếp tục chăm sóc nhân viên cũng như khách hàng. Rất ngạc nhiên, trong lúc giãn cách thì khách hàng không ra nước ngoài mua sắm được mà đã quay lại với chúng tôi, tự nhiên chúng tôi có thêm một lượng khách hàng rất lớn, thậm chí tăng gấp đôi. Do đó, sau khi mở cửa, doanh số của chúng tôi đã tăng 45% ngay lập tức vì có lực lượng nhân sự luôn sẵn sàng", bà Lê Hồng Thủy Tiên dẫn chứng.

Nhấn mạnh công nghệ đã tạo ra những chương trình rất tiện lợi cho bán hàng online, bà Thủy Tiên cho rằng xu thế hiện nay là cạnh tranh, vì thế phải tìm ra công nghệ có chi phí rẻ để phục vụ ngành bán lẻ là cực kỳ quan trọng.

Cùng với đó là cần áp dụng tất cả tiêu chuẩn, tiêu dùng xanh, chọn lựa thương hiệu thời trang sử dụng nguyên vật liệu xanh, sạch với môi trường. Mặc dù chi phí bỏ ra sẽ cao hơn nhưng điều này sẽ góp phần phát triển doanh nghiệp xanh. 

CEO của IPPG cũng khuyến khích các doanh nghiệp start up nên định hướng theo tiêu chí này, từ đó hình thành nên thương hiệu doanh nghiệp xanh.