16:35 27/12/2011

Chậm cấp “sổ đỏ” chung cư: Chủ yếu do chủ đầu tư

Ngô Trang

Trong tổng số 9.151 căn hộ kiểm tra, chỉ có 2.052 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, số đang làm thủ tục cũng chỉ hơn 2.800

Nhiều hộ gia đình sống trong tòa nhà chung cư hiện đại The Manor này vẫn chưa có "sổ đỏ".
Nhiều hộ gia đình sống trong tòa nhà chung cư hiện đại The Manor này vẫn chưa có "sổ đỏ".
Trong tổng số 9.151 căn hộ kiểm tra, chỉ có 2.052 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, số đang làm thủ tục cũng chỉ hơn 2.800.

Đó là kết quả đợt kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại các dự án, tòa nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội và Tp.HCM vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ.

Theo kết quả kiểm tra của 19 dự án tại 2 địa phương nói trên, Bộ kết luận “tình hình cấp giấy chứng nhận cho người mua còn chậm so với quy định”.

Kiểm tra 10 tòa nhà tại Tp. HCM, tổ công tác phát hiện, chủ đầu tư mới nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho 2.140 căn hộ (chiếm 37,8% số căn hộ đã bán) và mới cấp cho 1.495 trường hợp.

Còn tại Hà Nội, trong số 9 dự án được kiểm tra, chủ đầu tư đã bàn giao giấy tờ cho 557 chủ  căn hộ (chiếm 26,4% số căn hộ đã bán) và nộp hồ sơ cho 710 trường hợp (chiếm 23,7%).

Trong số các tòa nhà chậm kể trên phải kể đến The Manor (Từ Liêm), mặc dù đã chuyển nhượng và bàn giao 432 căn chung cư và 50 căn biệt thự, song chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco mới chỉ nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hơn 60 hộ trong tháng 9 vừa qua.

Tại Khu đô thị Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội), dù chủ đầu tư (Công ty Phát triển đô thị Nam Thăng Long) đã hoàn thành chuyển nhượng 640 căn nhà liền kề và 1.050 căn chung cư song doanh nghiệp này mới hoàn thành giấy tờ cho 354 căn liền kề trong số 390 căn ở giai đoạn 1. Còn lại 386 căn liền kề và hơn 1.000 căn vẫn chưa có giấy chứng nhận.

Khu nhà ở Đại Mỗ do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư cũng mới chỉ cấp được 9 trong số 73 căn hộ đã bàn giao.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc chậm cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở chủ yếu là do lỗi các chủ đầu tư, cơ quan chức năng và chính bản thân người mua.

Phổ biến nhất là tình trạng chủ đầu tư xây dựng không đúng số tầng, số căn hộ theo thiết kế được duyệt; phân chia diện tích lô không đúng với quy hoạch hoặc xây dựng nhà vượt diện tích so với giấy phép; chuyển đổi mục đích sử dụng tầng hầm hoặc thay đổi công năng, vị trí phòng sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa làm xong thủ thục pháp lý về đất đai nhà ở nhưng đã xây dựng và bán xong nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Đối với các dự án tại Hà Nội, còn một số trường hợp công ty mẹ được giao đất, nhưng việc xây dựng và ký hợp đồng bán nhà thì lại do công ty con thực hiện.

Bộ cũng thừa nhận, việc chậm trễ giấy tờ, pháp lý cho các hộ dân nói trên có một phần do công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng tại hai địa phương trên. Thực tế, tình trạng mua đi bán lại ở các dự án là rất lớn, chiếm tới 70% tổng số căn hộ, nhưng các cơ quan thẩm quyền đã không làm thủ tục theo quy đinh, tạo nên thị trường ngầm gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận.