15:44 12/04/2023

Chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia, Mỹ vẫn chi 5 tỷ USD phát triển vaccine Covid-19 mới

Hoài Phương

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch Covid-19, khép lại việc tài trợ tốn kém cho các xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine miễn phí, và các biện pháp khẩn cấp khác…

Ảnh: KCRW
Ảnh: KCRW

Tình trạng khẩn cấp quốc gia và khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHE) tại Mỹ được cựu Tổng thống Donald Trump ban hành từ tháng 1/2020. Sau khi nhậm chức, ông Biden nhiều lần gia hạn các biện pháp cho phép người Mỹ xét nghiệm, tiêm vaccine và điều trị miễn phí. Khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, các chi phí này sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ.

Theo Nhà Trắng, dù Mỹ chấm dứt đại dịch, chính quyền Biden vẫn tiếp tục nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo và các biện pháp chống lại biến chủng nCoV trong tương lai. Ngày 11/4, chính quyền ông Joe Biden đã công bố Dự án NextGen trị giá 5 tỷ USD với sự hợp tác giữa các cơ quan công lập và những tập đoàn tư nhân. Đây được coi như giai đoạn tiếp theo của Chiến dịch Warp Speed dưới thời cựu tổng thống Donald Trump - chiến dịch đã giúp phát triển vaccine Covid-19 trong thời gian kỷ lục.

Các nhà khoa học, chuyên gia y tế công cộng và chính trị gia đề cao sáng kiến này, đồng thời cảnh báo vaccine và các liệu pháp hiện tại đã dần mất hiệu quả, đòi hỏi những phương pháp mới, phù hợp với virus biến đổi nhanh chóng. "Thị trường rõ ràng đang chuyển biến rất chậm. Chính phủ Mỹ có thể làm rất nhiều điều giúp đẩy nhanh sự phát triển của các công cụ chống dịch nhằm phục vụ người dân", Ashish Jha, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết.

Dù Mỹ chấm dứt đại dịch, chính quyền Biden vẫn tiếp tục nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo.
Dù Mỹ chấm dứt đại dịch, chính quyền Biden vẫn tiếp tục nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo.

Dự án NextGen tập trung vào ba mục tiêu. Đầu tiên là tạo ra kháng thể đơn dòng tồn tại lâu dài sau khi virus tiến hóa và những phương pháp điều trị hiện tại không còn hiệu quả. Tiếp theo, các chuyên gia muốn đẩy nhanh sự phát triển của vaccine dạng xịt mũi họng, tạo miễn dịch niêm mạc, có thể giảm nguy cơ lây truyền và nhiễm bệnh. Cuối cùng, chính phủ hy vọng tăng tốc nghiên cứu vaccine phổ quát dành cho các virus corona nói chung, bảo vệ người dùng trước Covid-19 và các mầm bệnh họ hàng.

Các chuyên gia chỉ ra sự cấp thiết của mục tiêu thứ hai và thứ ba trong Dự án NextGen. Trong quá trình phát triển các vaccine hiện có, tốc độ là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh tính an toàn và hiệu quả. Vaccine ra mắt cuối năm 2020 có tác dụng khoảng 95% trong ngăn ngừa bệnh chuyển nặng. Tuy nhiên, hiệu quả phòng chống lây nhiễm hoặc mắc bệnh nhẹ sẽ giảm dần chỉ sau vài tháng. Khi virus tiếp tục phát triển, khả năng bảo vệ giảm sâu hơn.

Tiến sĩ Gregory Poland, giám đốc Nhóm nghiên cứu vaccine tại Mayo Clinic, cho biết:

 
"5 tỷ USD chỉ là khoản tài trợ bước đầu. Các chuyên gia sẽ cần nhiều hơn nữa để hoàn thành cả ba mục tiêu".

Theo John Moore, nhà miễn dịch học tại Đại học Y khoa Weill Cornell, việc đạt được ba mục tiêu sẽ rất khó khăn. Ông cho biết việc đem vaccine và các liệu pháp điều trị vào thực tế là quá trình gian nan và tốn kém. "Rất nhiều sản phẩm trông có vẻ khả quan ở giai đoạn đầu đã thất bại, vì không có đủ điều kiện sản xuất để thử nghiệm trên người", Tiến sĩ Moore nói.

Theo Washington Post, Tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, thậm chí nghi ngờ tính khả thi của cả ba mục tiêu. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đã nỗ lực 40 năm để phát triển vaccine chống lại HIV/AIDS và nhiều chủng cúm. Cả hai đều khó khăn vì virus biến đổi rất nhiều, cũng giống như nCoV.

Phát ngôn viên của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cho biết: "Mặc dù vaccine của chúng ta vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, nhưng chúng lại ít có khả năng giảm lây nhiễm. Các biến thể mới và việc mất khả năng miễn dịch theo thời gian có thể tiếp tục thách thức hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta trong những năm tới". Người phát ngôn của HHS bổ sung thêm, dự án sẽ được đặt tại HHS và bao gồm tất cả các giai đoạn phát triển từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm lâm sàng cho đến phân phối.

Dịch Covid-19 đã làm hơn một triệu người tử vong ở Mỹ trong hơn 3 năm qua. Nước này đã duy trì tình trạng khẩn cấp Covid-19 trong gần 3 năm qua, nhưng nay vaccine và các biện pháp điều trị đã giúp cuộc sống dần trở lại bình thường. Được biết, hồi cuối tháng 1/2023, FDA đã đề xuất kế hoạch tiêm phòng Covid-19 một liều duy nhất cho người dân vào mùa Thu hằng năm. 

Trong quá trình phát triển các vaccine hiện có, tốc độ là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh tính an toàn và hiệu quả.
Trong quá trình phát triển các vaccine hiện có, tốc độ là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh tính an toàn và hiệu quả.

FDA cho biết, trong tương lai, hầu hết mọi người dân có thể chỉ cần một liều vaccine ngừa Covid-19 mới nhất để khôi phục khả năng đề kháng, bất kể họ đã tiêm bao nhiêu liều trước đó. Theo tài liệu tóm tắt của FDA gửi các chuyên gia về vaccine, có thể cần tiêm hai liều cho những người còn rất trẻ và chưa bị nhiễm, người già hoặc những người có hệ miễn dịch yếu. Theo kế hoạch của FDA, giới chức y tế liên bang sẽ lựa chọn thành phần vaccine vào tháng 6 hằng năm, nhằm mục đích tạo kháng thể chống lại các biến thể mới đang lây lan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết sẽ họp trong tháng 5 để bàn chi tiết về việc gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp Covid-19 trong năm 2023. Theo hãng Reuters, Tổng giám đốc WHO mới đây đã thúc ép Trung Quốc chia sẻ thông tin về nguồn gốc của Covid-19. Ông Tedros cho rằng hiện tại, WHO không thể trả lời các câu hỏi về nguồn gốc của virus khi không có quyền truy cập đầy đủ vào thông tin mà Trung Quốc có.

Trước đó, đối với vấn đề vaccine Covid-19, WHO đưa ra khuyến nghị không nhất thiết tiêm mũi vaccine tăng cường cho trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh. Nguyên nhân là lợi ích của việc tiêm liều vaccine tăng cường với nhóm này không đáng kể. Giám đốc vaccine của WHO Kate O'Brien cho biết họ đang tìm kiếm các loại vaccine chuyển từ phương pháp tiêm và bảo quản trong dây chuyền cực lạnh, sang các phương pháp vaccine qua đường mũi, miệng và da.