19:11 23/12/2021

Chậm mở bay quốc tế, du lịch sẽ mất đi năng lực cạnh tranh

Phúc Minh

Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế thì không những mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm, mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác, cao hơn nữa là mất đi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Thành phố Hồ Chí Minh: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 23/12.

MUỐN MỞ CỬA DU LỊCH CẦN MỞ CẢ GIAO THÔNG

Dự báo hàng không và du lịch là hai lĩnh vực trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, việc mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ là giải pháp cho hai ngành này.

Đặc biệt với ngành du lịch, chúng ta đang triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế, nếu tổ chức được các chuyến bay thương mại thường lệ thì sẽ giúp cho hoạt động thí điểm này đạt được kết quả tốt hơn, tiến đến triển khai mở lại hoàn toàn việc đón khách du lịch quốc tế như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh.

“Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế thì không những mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm, mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác, cao hơn nữa là sẽ mất đi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho biết, năm 2022 với mục tiêu khôi phục ngành du lịch cùng với các dịch vụ kèm theo, TP. HCM đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch thích ứng với dịch Covid-19 với những giai đoạn cụ thể. Sở Du lịch cũng đang xây dựng lộ trình cho việc làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời xây dựng các tour, tuyến mới để thu hút khách nội địa, khách quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đánh giá những hoạt động vừa qua giúp du lịch TP. HCM bước đầu có nét hồi sinh trở lại, tuy nhiên có lẽ chưa đủ. “Muốn mở cửa du lịch thì trước hết phải mở cửa về chính sách giao thông vận tải, đi lại, phải có tiêu chí rõ ràng, rành mạch để những người sử dụng phương tiện, những người muốn đi lại trong nước và nước ngoài hiểu được. Chúng ta đang thiếu điều này”, ông Kỳ chia sẻ.

Thứ hai là mở lại dịch vụ. Mở lại dịch vụ tốt thì du lịch mới có khả năng hoạt động trở lại được vì du lịch có tính tổng hợp, một mình không thể vận hành được mà phải có sự trợ giúp của cả hệ thống.

Với riêng Vietravel, để chuẩn bị cho việc trở lại, đơn vị này đã chuẩn bị khá kỹ, bao gồm cả du lịch và hàng không. Vietravel đánh giá lượng khách quốc tế về Việt Nam sắp tới từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022 chủ yếu là Việt kiều.

Đây là nhu cầu chính đáng của bà con muốn về thăm quê hương sau 2  năm bị gián đoạn vì dịch. Vietravel hiện đã mở cửa trở lại 4 văn phòng tại nước ngoài ở Mỹ, Pháp, Australia, Thái Lan, sắp tới là Singapore, để kiều bào đến đăng ký. Ông Kỳ đánh giá, nếu Chính phủ cho mở bay thương mại vào tháng 1/2022 thì lượng khách sẽ về rất đông. 

CHÍNH SÁCH CẦN ĐỒNG BỘ, MANG TÍNH KẾT NỐI

Cũng đánh giá TP. HCM vừa qua đã có sự chuẩn bị rất tốt để mở cửa trở lại, song ông Nguyễn Trùng Khánh lưu ý, trước diễn biến phức tạp của dịch với những biến chủng mới, TP. HCM cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ tiêu chí, quy trình đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như các khu, điểm kinh doanh du lịch một cách chặt chẽ. Đồng thời, cần tính đến phương án xử lý các tình huống trong trường hợp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ cho phép tổ chức thí điểm đón khách quốc tế.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh - VGP. 
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh - VGP. 

Trong giai đoạn thí điểm ban đầu, thành phố cũng cần tăng cường đào tạo, tập huấn an toàn với khách du lịch, quan tâm việc tạo ra những tour, tuyến sản phẩm mới mà vừa rồi đã nỗ lực xây dựng.

Cuối cùng, cần đảm bảo công tác quản lý nhà nước để khi mở cửa lại, việc đón khách quốc tế đạt hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đó là những yếu tố hết sức quan trọng khi tổ chức đón khách quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận những hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên, vấn đề cần đồng bộ hơn nữa, làm sao mang tính kết nối hơn.

“Chúng tôi hay nói đùa là làm sao không quay ngược trở lại. Chính sách chúng ta đưa ra rồi, thì đừng sáng một cái, chiều một cái, khiến các doanh nghiệp rất khó trở tay. Cho nên, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao đồng bộ, mang tính liên tục”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Theo ông Kỳ, giới doanh nghiệp nói chung cần nhìn thấy một chiến lược tổng thể của Chính phủ trong thời gian dài, cho giai đoạn từ nay đến năm 2023, 2025. Trong bối cảnh bình thường mới, nếu không có chiến lược này, chúng ta sẽ rất bị động.

Thứ hai, ngành du lịch và hàng không bị tác động rất nặng, vì thế Chính phủ cần có những chính sách trợ giúp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đây là 2 ngành mũi nhọn, hàng không vận chuyển, du lịch là ngành kinh tế chiếm đến trên 10% GDP của cả nước. Chúng ta xác định là mũi nhọn thì phải đầu tư để giữ lại ngành du lịch.

Thứ ba là du lịch sẽ giúp thúc đẩy trở lại tiêu dùng xã hội. Cuối cùng là du lịch sử dụng lao động nhiều, nếu chúng ta hỗ trợ được du lịch thì lao động sẽ có việc làm.

“Tôi có ý kiến là không nên sử dụng biện pháp dừng đi lại để phòng chống bệnh dịch mà có biện pháp để làm sao mỗi người dân trong cộng đồng có ý thức bảo vệ chính mình. Tôi lấy một điển hình của Thái Lan, khi đỉnh điểm cả nước lên đến 20.000 ca mắc Covid-19 nhưng du lịch Thái Lan vẫn  mở cửa, vận chuyển hàng không và đường bộ vẫn mở, và từ khi mở cửa thì số ca lại đi xuống.

Chứng tỏ rằng không phải do đi lại mà bệnh dịch lên mà do chúng ta kiểm soát bệnh dịch ở các địa phương và từ mỗi người dân, mỗi cá nhân trong đó”, ông Nguyễn Quốc Kỳ dẫn chứng.