Chân dung tân Thái tử quyền lực của Saudi Arabia
Mohammed bin Salman được biết đến với những cải cách được cho là chỉ có trong tưởng tượng vài năm trước
Người thừa kế mới của vương triều Saudi Arabia được biết đến là
một nhà cải cách quyết liệt và có chính sách đối ngoại cứng rắn, hãng tin Reuters cho biết.
Ngày 22/6, Mohammed bin Salman, 31 tuổi, được vua cha phong
làm Thái tử, thay anh họ Mohammed bin Nayef, 57 tuổi. Động thái này giúp tân Thái tử, đang là người giám sát quân đội và các chính sách năng lượng, trở
thành nhân vật quan trọng thứ 2 tại quốc gia giàu dầu mỏ này.
Quyết định này của quốc vương Saudi Arabia cũng cho thấy sự
thay đổi về văn hoá và xã hội của quốc gia vùng Vịnh khi quyền lực được truyền
lại cho thế hệ trẻ hơn nhiều so với truyền thống “trọng lão” trước đây.
Nếu Mohammed bin Salman lên ngôi vua trong vài năm tới, nhân vật này sẽ trở thành quốc vương trẻ nhất của Saudi Arabia. Mohammed bin Salman được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới trong các chính sách của quốc gia vùng Vịnh.
Mohammed bin Salman nổi tiếng với những nỗ lực thay đổi, thông qua kế hoạch mang tên Tầm nhìn 2030 nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào dầu mỏ. Đồng thời, Mohammed bin Salman cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm đa dạng hoá nền kinh tế, thúc đẩy vai trò kinh tế của nữ giới và cổ phần hoá một phần doanh nghiệp dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco - những cải cách được cho là chỉ có trong trí tưởng tượng vài năm trước đây.
Đồng thời, chính sách đối ngoại của tân Thái tử cũng sẽ định
hình lại vai trò của Saudi Arabia trong khu vực và trên trường quốc tế.
Theo giới ngoại giao và giới phân tích, Mohammed bin Salman được
coi là nhân tố chính dẫn đến cuộc chiến tại Yemen trước đây và gần đây nhất là
quyết định cô lập quốc gia láng giềng Qatar.
Chính sách đối ngoại của Mohammed bin Salman được cho là sẽ
khác hẳn với phong cách truyền thống của các thế hệ trị vì trước đây với những
thay đổi quyết liệt nhằm giảm phụ thuộc vào Iran tại Saudi Arabia và cả Trung
Đông.
“Việc Mohammed bin Salman được sắc phong thái tử đồng
nghĩa với nhiều chính sách đối ngoại cứng rắn và quyết liệt hơn nhằm giảm sự ảnh
hưởng của Iran đối với Saudi Arabia”, Helima Croft, Giám đốc Chiến lược tại RBC
Capital Markets, nhận định.
“Dưới sự can thiệp Mohammed bin Salman, Saudi Arabia đã
khơi mào cuộc chiến tốn kém với Yemen, đồng thời đưa ra quyết định bất ngờ cô lập
quốc gia láng giềng Qatar, cũng là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh
(GCC). Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra trong cuộc chiến giảm ảnh
hưởng của Iran của tân Thái tử? Và cô lập Qatar liệu có phải là động thái mở
màn?”, bà Croft nói thêm.
Con đường quyền lực của Mohammed diễn ra khá suôn sẻ
và nhanh chóng. Chỉ trong chưa đầy 2 năm, từ một hoàng tử ít được biết đến tại
Saudi Arabia, Mohammed bin Salman nhanh chóng leo lên ngôi vị quyền lực nhất chỉ
sau quốc vương.
Năm 2015, sau khi cha Salman bin Abdulaziz Al Saud, trở thành quốc vương thứ 7 của Saudi Arabia, Mohammed bin Salman được sắc phong làm phó Thái tử và đảm nhiệm vị trí bộ trưởng quốc phòng. Mohammed bin Salman là người lãnh đạo Hội đồng Kinh tế và Phát triển, giám sát mọi chính sách ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội như giáo dục, sức khoẻ và nhà ở.
Mohammed bin Salman cũng là Chủ tịch hội đồng quản trị của Aramco, là thành viên hoàng gia đầu tiên trực tiếp điều hành một công ty dầu mỏ quốc doanh.
Đối với các quốc gia khác, những thay đổi chóng vánh và đột
ngột trong những chính sách dài hạn của Saudi Arabia đối với vấn đề năng lượng,
kinh tế và đối ngoại trong khu vực gây hoang mang lo lắng.
Còn người dân Saudi Arabia lại chia thành hai nhóm quan điểm.
Nhiều người lớn tuổi hoài nghi bởi họ từng chứng kiến nhiều cuộc cách cách mang
lại hiệu quá ít ỏi và tỏ ra cảnh giác với những thay đổi nhanh chóng ở một
trong những quốc gia bảo thủ nhất thế giới như Saudi Arabia.
Một số lo sợ rằng
những thay đổi của tân Thái tử sẽ gây ra những rạn nứt trong xã hội và cho rằng
dù có cải cách chính sách táo bạo tới đâu, những vấn đề “thâm căn cố đế” trong
bộ máy hành chính của nước này cũng sẽ cản trở việc thi hành chúng.
Tuy nhiên, cải cách mang tên Tầm nhìn 2030 của tân Thái tử lại
nhận được sự ủng hộ của giới trẻ nước này khi một đại diện thuộc thế hệ của họ
trở thành người nắm quyền lực của vương quốc.
“Mohammed bin Salman được ủng hộ bởi giới trẻ và đang
nắm trong tay cơ hội để thử cái cách vương quốc với kế hoạch Tầm nhìn 2030”, Kristian
Ulrichsen, một chuyên gia tại Baker Institute Mỹ, cho biết. “Nếu thành công, Mohammed bin Salman
sẽ nắm vương vị trong nhiều thập kỷ tới”.
Theo sắc lệnh hoàng gia, tân Thái tử Mohammed bin Salman
cũng được thăng chức Phó thủ tướng và vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí Bộ trưởng
quốc phòng.
Tân Thái tử Mohammed bin Salman là con trai đầu của Quốc vương Salman với người vợ thứ ba của vua cha. Mohammed bin Salman tốt nghiệp ngành luật trường Đại học King Saud với vị trí thứ hai trong lớp.
Sau khi tốt nghiệp, Mohammed bin Salman từng làm việc tại nhiều tổ chức trước khi tham gia chính trường, trong đó có vị trí tổng thư ký của Hội đồng Cạnh tranh Riyadh, cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch hội đồng quản trị King Abdulaziz Foundation…
Mohammed cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện và thành lập
tổ chức phi lợi nhuận MiSK Foundation, hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp thông qua
nhiều chương trình.
Năm 2013, Mohammed bin Salman được bình chọn là Nhân vật của năm do tạp chí
Forbes Trung Đông bình chọn với vai trò chủ tịch Trung tâm King Salman Youth
Center, công nhận những đóng góp của Mohammed bin Salman đối với sự phát triển của giới trẻ Saudi
Arabia.