06:32 02/04/2022

Chặn tình trạng “báo hóa” mạng xã hội và hiện tượng “tư nhân hóa” báo chí

Nhĩ Anh

Bên cạnh tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử và mạng xã hội, có hiện tượng một số tạp chí thực hiện “khoán” doanh thu từ các chuyên trang, chuyên mục cho phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết…

Nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí
Nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí

Thực tế này được cơ quan quản lý, chuyên gia chỉ ra tại tọa đàm, nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức.

CÓ BIỂU HIỆN “RỬA NGUỒN” CHO TRANG TIN ĐIỆN TỬ

Theo Cục báo chí, về bản chất, “báo hóa” tạp chí điện tử là hiện tượng tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, có hình thức trình bày, nội dung thông tin cố tình gây hiểu lầm là báo. 

Về hình thức, các tạp chí có logo gây hiểu lầm, măng séc ấn phẩm, giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi là “Tạp chí” nhưng chữ rất nhỏ; các chuyên mục thể hiện như báo; chuyên trang không thể hiện trực thuộc tạp chí, chuyên trang thể hiện độc lập với tạp chí, chỉ thể hiện thuộc cơ quan chủ quản.

 
Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp ngoài phạm vi lĩnh vực, tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động của tạp chí hoặc đăng tin “rửa nguồn" cho trang thông tin điện tử, dẫn đến liên kết nội dung trá hình, gây nên tình trạng tư nhân tác động, can thiệp vào hoạt động báo chí...

Về nội dung, thường không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoặc phản ánh những nội dung, những vấn đề không thuộc lĩnh vực ghi trong giấy phép; tít mập mờ, đặt câu hỏi nghi vấn, tít không phù hợp với nội dung, đưa thông tin một chiều. Bên cạnh đó, các tạp chí khoa học nhưng ít chú trọng vào những thông tin khoa học, lý luận, chuyên ngành….

Thực tế, đã xuất hiện hiện tượng một số tạp chí có biểu hiện “rửa nguồn” tin cho trang thông tin điện tử tổng hợp, đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách hoặc có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, ít bài tự sản xuất…

Đáng lưu ý, hiện tượng này không chỉ thể hiện trên mặt báo, mà cả trong hoạt động tác nghiệp, như cấp giấy giới thiệu không thuộc phạm vi tôn chỉ mục đích, gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà. Tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc…

Nhiều trang tin điện tử tổng hợp tiếp tục sử dụng tên miền nhằm gây hiểu lầm là cơ quan báo chí, thiết kế giao diện, chuyên mục như báo điện tử, tổng hợp tin, bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các thông tin tiêu cực, giật gân, câu view; tự sản xuất tin bài như báo chí rồi chuyển cho cơ quan báo chí phát hành trên mạng, sau đó trang tin điện tử tổng hợp đăng tải lại ngay để hợp thức hóa nguồn tin…

Cũng theo đánh giá của cơ quan quản lý, tình trạng “báo hóa” ở các mạng xã hội vẫn tồn tại. Biểu hiện ở việc thiết kế giao diện, chuyên mục, sản xuất, tổng hợp tin bài, họat động như trang tin điện tử tổng hợp, báo điện tử; có lượng nhân sự lớn, ký hợp đồng làm phóng viên, cộng tác viên…

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, nguyên nhân tình trạnh này là do các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”.

“KHOÁN” DOANH THU TỪ CÁC CHUYÊN TRANG 

Nhiều tạp chí thuộc Hội, Viện nghiên cứu chưa có tổ chức Đảng; Tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành nhưng mở nhiều văn phòng đại diện, có nhiều phóng viên thường trú, tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương; số lượng người đề nghị cấp thẻ nhà báo lớn so với quy mô, tính chất của tạp chí.

 
Hiện tượng một số tạp chí “khoán” toàn bộ hoạt động cho đối tác liên kết, như: Giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm, toàn quyền quyết định nội dung chuyên trang.

Bên cạnh đó, có hiện tượng một số tạp chí thực hiện “khoán" doanh thu từ các chuyên trang, chuyên mục cho nhà báo, phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết… nên nhiều phóng viên lợi dụng kẽ hở này để sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp.

Một số tạp chí đặt máy chủ của trang chủ và máy chủ của chuyên trang ở những nơi khác nhau, không đúng quy định trong giấy phép, tạo kẽ hở trong quản lý nội dung.

Chia sẻ về tình trạng này, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, dấu hiệu “tư nhân hoá” báo chí thể hiện ở việc cơ quan báo chí buông lỏng để tư nhân sản xuất nội dung, được quyền đăng bài viết; phó mặc cho đối tác liên kết; mở kênh trên các nền tảng hoạt động như báo chí. KOL cập nhật, viết bài trên mạng xã hội, thành lập kênh như cơ quan báo chí, nội dung có định kiến, kích động...

Theo đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện tượng này hay xảy ra ở truyền hình. Có đơn vị thành lập văn phòng đại diện, thành vương quốc riêng, muốn đăng gì thì đăng. Đối tác liên kết với truyền hình, sau đó lấy thương hiệu và mở kênh riêng. Có những kênh người xem đông hơn cả truyền hình và có quảng cáo.

Do đó, theo các chuyên gia cần phải có giải pháp chấn chỉnh tình trạng trên. Để quản lý tốt hoạt động của báo chí, ngăn chặn tình trạng “tư nhân hóa” báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo kịp với thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, cần nghiên cứu thành lập Hội đồng chuyên môn (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các vấn đề này thông qua các bộ tiêu chí. Theo các chuyên gia, nếu làm chặt thì “tư nhân hóa” trang tin điện tử sẽ giảm bớt…

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kiến nghị Bộ sớm có văn bản hỗ trợ các Sở nhận diện trang trang tin điện tử tổng hợp không dùng tên miền nhầm lẫn với báo chí; để tránh tư nhân hóa báo chí, đặc biệt liên kết, bán trang; xem xét lĩnh vực được phép liên kết là gì; tiêu chí phân loại các tạp chí lý luận, chuyên ngành…

 
Từ năm 2019 đến nay, Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông đã xử lý 39 trường hợp tạp chí vi phạm, với số tiền 1.427,1 triệu đồng; đình bản 3 tạp chí; thu hồi 3 thẻ nhà báo. Trong năm 2021, đã có 14 đơn thư phản ánh về hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; 146 đơn thư liên quan đến tin bài của các tạp chí. Tính riêng trong Quý 1/2022 đã có 24 đơn thư liên quan đến tin bài của tạp chí, 1 tin bài về hoạt động tác nghiệp của phóng viên.