10:49 26/10/2022

Chanel khởi động một dự án kinh tế tuần hoàn

Minh Nguyệt

Khái niệm về ngành công nghiệp thời trang tuần hoàn là một xu hướng đang phát triển nhanh chóng nhằm tái sử dụng và tái chế tất cả các vật liệu, loại bỏ chất thải và ô nhiễm và tái tạo môi trường theo “mô hình tuần hoàn”…

Ảnh: Vogue
Ảnh: Vogue

Giá trị tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn của thời trang có thể lên tới 5 nghìn tỷ USD, theo một báo cáo mới của một nhóm các chuyên gia học thuật và công nghiệp nổi tiếng. Ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với áp lực lớn trong việc giảm lượng khí thải carbon và chất thải, đặc biệt là từ một thế hệ người tiêu dùng mới, những người đòi hỏi trách nhiệm và sự minh bạch về môi trường nhiều hơn. Điều này đã tạo thêm động lực cho lập luận về tính tuần hoàn. 

Các chuyên gia về phát triển kinh tế bền vững cho biết ngành công nghiệp này chỉ mới bắt đầu khám phá tiềm năng tái sử dụng và tái chế sản phẩm. Một lượng lớn sản phẩm kết thúc ở bãi rác nhưng có thể dễ dàng bán lại. Các công nghệ tái chế cải tiến có khả năng tạo ra sự biến đổi tạo nên vòng đời thứ hai cho sản phẩm. Lấy sản phẩm làm trung tâm, thay vì lấy người tiêu dùng làm trung tâm, cách tiếp cận này giúp cho các cơ sở tái chế có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo ra tính minh bạch và bền vững cho doanh nghiệp; đồng thời, bảo vệ môi trường sống.

Trong khi LVMH ra mắt Nona Source vào năm 2021, một trang web để bán lại kho vải và vật liệu không sử dụng của mình, thì Chanel cũng từng khởi xướng dự án Atelier des Matières bốn năm trước, thông qua một mô hình chuyển đổi tuần hoàn hơi khác. Dự án này hoạt động trên cơ sở thu hồi và làm sống lại các món đồ không sử dụng như hàng hóa sản xuất chưa bán hoặc chưa sử dụng từ lĩnh vực thời trang và xa xỉ.

NTK Sini Saavala - người thắng cuộc tại Hyères International Festival và Nativité Rodriguez, tổng giám đốc của L'Atelier des Matières.
NTK Sini Saavala - người thắng cuộc tại Hyères International Festival và Nativité Rodriguez, tổng giám đốc của L'Atelier des Matières.

Nhà mốt sẽ bắt đầu bằng việc thành lập một công ty mở cửa cho tất cả các thương hiệu cao cấp, mang đến cho họ cơ hội tái sử dụng một cách sáng tạo những phế liệu của họ, từ vải, vật liệu, thành phẩm hoặc bán thành phẩm, dựa vào sự hỗ trợ của bộ phận nghiên cứu và phát triển của Chanel ở Paris,. Tọa lạc tại Le Meux trong vùng Oise, Atelier des Matières hiện có 35 nhân viên, bao gồm một nhóm "người định giá" phụ trách tìm kiếm các giải pháp “cuộc đời thứ hai” cho các sản phẩm được thu thập.

L'Atelierdes Matières thu thập các sản phẩm may sẵn, đồ da (túi xách) và đồ da nhỏ (ví, thắt lưng…), giày đã hết tuổi thọ, và cả những vật liệu chưa sử dụng, chẳng hạn như chỉ và vải dệt, các bộ phận kim loại, nút và khóa kéo… Công ty cho biết sẽ phân loại, tháo rời, phân tách và sau đó chuyển đổi "thành các vật liệu tái chế chất lượng, dựa vào khả năng truy xuất nguồn gốc hoàn toàn của các thành phẩm được giao phó, cũng như tính bảo mật và an ninh của chuỗi chuyển đổi có trách nhiệm".

"Chúng tôi làm việc theo chu trình khép kín, giống như một nhà thầu phụ, để thu hồi vật liệu từ khách hàng đã sử dụng, chúng tôi được giao phó các sản phẩm mà chúng tôi sẽ tân trang và sau đó cung cấp cho khách hàng khác", Giám đốc phát triển bền vững và chuyển đổi của Chanel, Eric Dupont cho biết. Ông Dupont đã lãnh đạo bộ phận Manufactures de Mode, chỉ đạo các nhà sản xuất và nhà cung cấp của Chanel, đặc biệt là ở Ý. Nhiệm vụ của ông tại Atelier des Matières tương tự như một loại dịch vụ tùy chỉnh, với các đơn đặt hàng thường đi kèm với các dự án thử nghiệm.

Một thiết kế tái chế của NTK Sini Saavala với sự trợ giúp của Atelier des Matières.
Một thiết kế tái chế của NTK Sini Saavala với sự trợ giúp của Atelier des Matières.

Ví dụ, với sự hỗ trợ của Authentic Material khởi nghiệp có trụ sở tại Toulouse, L'Atelier cho thử nghiệm một số đường cắt túi da qua sử dụng của Chanel để biến chúng thành các bộ phận ẩn của đôi giày. Một ví dụ khác, các mảnh da nhỏ sẽ được tái chế để tạo thành cán cầm tay cho những con dao trên bàn ăn... Ông Eric Dupont nhấn mạnh việc “hai bên cùng có lợi” giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng, những người "cùng học hỏi với chúng tôi trong lĩnh vực phục hồi và tái chế này”.

Mặc dù Chanel sẽ là nguồn cung cấp chính các vật liệu và thành phẩm để tái sử dụng, Atelier des Matières hiện đã có 8 khách hàng khác. Ngay cả khi, như người quản lý thừa nhận, công việc kinh doanh vẫn chưa có lãi. "Hiện tại, chúng tôi không kiếm tiền bằng những gì chúng tôi đang xử lý", ông Eric Dupont cho biết. ‘Chúng tôi chỉ muốn mang tới một cam kết về việc tham gia lâu dài và có kế hoạch vào nền kinh tế tuần hoàn và bền vững”.

Atelier des Matières gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý trong Lễ hội Thời trang Hyères (Hyères International Festival) với tư cách là đối tác của cuộc thi tổ chức lần thứ 37. Đây là một cách để công ty có được tầm nhìn và làm cho mình được biết đến với các thế hệ nhà thiết kế mới, những khách hàng tiềm năng trong tương lai. “Vào thời điểm chuyển đổi xã hội, kinh tế và môi trường như hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng mình phải tiếp tục đẩy mạnh tham vọng và cam kết của mình” Chanel cho biết “Chúng ta có thể là một lực lượng tích cực để thay đổi thế giới và góp phần thay đổi cuộc sống và xã hội”.