14:41 18/10/2022

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ quốc tế

Nhĩ Anh

"Khoa học công nghệ không phải là độc quyền của Nhà nước hay của viện này, viện kia mà cởi mở cho toàn giới khoa học"...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra. Tại hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong giai đoạn 2016-2020 đã có 39 chương trình khoa học công nghệ quốc gia được triển khai với tổng kinh phí trên 19.000 tỉ đồng, chiếm 41,67% tổng số kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ.

Khoảng 10 năm trước đây, ngân sách Nhà nước chiếm 70-80% kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, thì đến nay, đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỉ lệ tương ứng là 52% và 48%.

CƠ CẤU LẠI CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, LẤY DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM

Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011-2015) lên 45,2% (giai đoạn 2016-2020). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao.

 
Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình khoa học công nghệ quốc gia; phê duyệt 17 Chương trình khoa học công nghệ quốc gia giai đoạn 2021- 2025 và 2021-2030 thuộc 10 nhóm lĩnh vực ưu tiên...

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình khoa học công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết việc cơ cấu lại bám sát Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra.

Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ trong trung hạn và dài hạn, phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, phải gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; phương hướng nhiệm vụ khoa học công nghệ 5 năm 2021-2025.

Các chương trình khoa học công nghệ quốc gia bảo đảm không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông; có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trong phạm vi cả nước, giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mục tiêu, kết quả đạt được của các chương trình góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước, phát triển ra thị trường quốc tế với các ngành hàng có lợi thế tiềm năng. Cùng với đó, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh, gia tăng số lượng đăng ký sáng chế...

CÔNG KHAI, MINH BẠCH MỌI KHÂU TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hơn nữa trong triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025, bảo đảm chất lượng, đúng quy định; đồng thời lưu ý một số điểm.

Các chương trình khoa học công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần được cơ cấu lại theo hướng các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả, tiêu chí đánh giá phải được lượng hoá ngày càng rõ ràng, chi tiết; có sự phổi hợp với các chương trình, nhiệm vụ các cấp, bám sát Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Khoa học công nghệ không phải là độc quyền của Nhà nước hay của viện này, viện kia mà cởi mở cho toàn giới khoa học. Các kết quả, đề tài nghiên cứu cần được minh bạch, công khai và gắn với trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Khoa học công nghệ không phải là độc quyền của Nhà nước hay của viện này, viện kia mà cởi mở cho toàn giới khoa học. Các kết quả, đề tài nghiên cứu cần được minh bạch, công khai và gắn với trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học".

Bộ Khoa học và Công nghệ mạnh dạn tổ chức các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số chương trình khoa học công nghệ quốc gia, từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý, tài chính trong khoa học; có các cơ chế để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, kết hợp với các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước.

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Phó Thủ tướng lưu ý kết quả các chương trình khoa học công nghệ quốc gia cần đưa ra những kiến nghị thật cụ thể, tổ chức phương thức để lan toả kết quả nghiên cứu, tạo xung lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn trong phát triển đất nước; triển khai nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế quản lý tài chính khoa học công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu về văn hoá.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc công khai, minh bạch mọi khâu trong thực hiện chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ; kiên trì, thuyết phục trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, tài chính khoa học.