Nghiên cứu khoa học nông nghiệp vẫn lép vế
Mặc dù đóng góp rất lớn vào tăng năng suất và chất lượng nông sản, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở nước ta được đánh giá là hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách Nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp...
Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua có đóng góp nhiều từ khoa học nông nghiệp. GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản.
TẠO ĐỘT PHÁ VỀ NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN
“Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Khoa học công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay đã có khoảng 450 giống cây trồng được Bộ nhân giống mới đưa vào sản xuất. Nhờ đó, hầu hết các loại cây trồng chủ lực như lúa gạo, thanh long, nhãn, vải, bưởi, chè,… đều được cải thiện lớn cả về quy mô và chất lượng.
Trong 10 năm qua, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học ngành chăn nuôi thú y đã được thực hiện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng được ứng dụng vào các hoạt động sản xuất như giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, thiết bị chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học,... Thông qua những nghiên cứu này, đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng, tiêu tốn lượng thức ăn ít hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết ngành lâm nghiệp đã công nhận 229 giống; trong đó, 95 giống của 6 loài keo, 85 giống của 5 loài bạch đàn, 33 giống của 4 loài tràm, 4 giống thông Caribeae, 10 giống thanh thất, chiêu liêu và 2 giống phi lao. Riêng giai đoạn 2010 - 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 102 giống cây rừng mới.
“Hiện ngành lâm nghiệp đang tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp. Tiến tới đến năm 2030, 100% chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng dựa trên khoa học công nghệ”, ông Trần Quang Bảo thông tin thêm.
Với ngành thủy sản, nhờ áp dụng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến đã giúp ngành thủy sản nâng cao năng suất, chất lượng, tạo thêm sức cạnh tranh của sản phẩm. Thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chi phí sản xuất nuôi trồng thủy sản đã giảm đáng kể, đặc biệt là chi phí thức ăn và hóa chất.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, chi phí thức ăn nuôi tôm từ khoảng 60% giai đoạn 2012-2014 đã giảm xuống còn khoảng 42% giai đoạn 2018-2021. Hơn nữa, công nghệ nuôi sạch, không sử dụng kháng sinh, chất cấm đã được ứng dụng phổ biến tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn.
CẦN CƠ CHẾ GIÁM SÁT CÁC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều yếu kém. Số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn còn thấp...
Theo GS.TS Trần Đức Viên, hầu hết các loại giống cây trồng từ lúa, hoa màu, rau quả đến các giống vật nuôi cao sản, máy móc, thiết bị, phần lớn vật tư nông nghiệp... đều là hàng ngoại nhập.
“Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn kém do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng thấp, kích cỡ không đồng đều. Sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu. Vấn đề này cho thấy những điểm yếu nội tại của khoa học công nghệ”, GS.TS Viên nêu thực tế.
"5 trong số 6 đại gia lớn nhất thế giới về giống cây trồng đã có mặt tại Việt Nam, từ Syngenta của Thụy Sĩ đến Bayer của Đức, Dupont và Monsanto của Mỹ… Trong khi các giống cây trồng được nghiên cứu trong nước vẫn lép vế . Hiện 90% số máy kéo bốn bánh, máy gặt đập liên hợp đều phải nhập khẩu".
GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bổ sung thêm, GS.TS Nguyễn Văn Tuất, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chỉ rõ thực trạng đáng quan ngại hiện nay, đó là trong khi nhiều lĩnh vực chế biến, sản xuất nông nghiệp còn rất thiếu khoa học công nghệ, thì hàng loạt công trình nghiên cứu của các viện, trường sau khi hoàn thành bị “cất vào tủ”, do khó chuyển giao ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Từ thực tế này, GS.TS Tuất nhấn mạnh, việc phát huy nội lực, đam mê, khát vọng của nhà khoa học trong ngành nông nghiệp là vấn đề cần phải suy nghĩ trong giai đoạn hiện nay.
"Các nhà khoa học lớn, nhất là trong nông nghiệp đều phải gắn với thực tế, phải đi thực tế. Trong khi đó, không ít cán bộ ở các viện nghiên cứu đang không sống với thực tế, không lăn lộn mày mò, để thí nghiệm và điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu. Vì vậy, nhiều người đã thất bại", ông Tuất nói.
Để khắc phục vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Tuất đề nghị, cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị nghiên cứu và bản thân các đơn vị nghiên cứu cũng phải có cơ chế giám sát, kiểm tra, thẩm định, đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo chất lượng thực sự của công trình nghiên cứu. Đồng thời cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt các đề tài nghiên cứu ngay trong quá trình thực hiện, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, phát huy được hiệu quả tốt nhất.
Nhà nước cần mạnh dạn sắp xếp lại tổ chức nghiên cứu về nông nghiệp theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo về nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Cần giảm các tổ chức trung gian, tinh giản biên chế để tăng lương, từ đó sẽ trả lương thông qua đề tài, dự án.
Đây là hướng đi đúng để phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng lực của các đơn vị nghiên cứu. Nên mạnh dạn khoán kinh phí đề tài đến sản phẩm cuối cùng và áp dụng cơ chế bồi thường của chủ trì, đơn vị chủ trì nếu sản phẩm khoa học không đạt. Để làm được điều này cần có đơn vị tư vấn độc lập giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đề tài. Cần thay đổi hình thức đánh giá nghiệm thu hiện nay vẫn còn nặng về thủ tục hành chính và đâu đó chỉ là hình thức...
Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống các viện công lập nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng tập trung đầu mối quản lý, nhưng tăng tính độc lập chuyên môn sâu cho các đơn vị nghiên cứu cấp phòng, bộ môn, nhà khoa học. Giao trách nhiệm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành, liên ngành có chiến lược cụ thể và tạo ra được sản phẩm thực tiễn phục vụ trực tiếp trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, các vùng nông thôn mới, văn minh. Cần thúc đẩy mạnh nghiên cứu mô hình nông nghiệp trong tương lai có tính cạnh tranh cao của Việt Nam, mô hình trang trại, các cây trồng, vật nuôi lợi thế trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xu thế tiêu dùng toàn cầu.