Chìa khoá đưa bảo hiểm tiền gửi tới người dân ở nông thôn
Muốn người dân hiểu về bảo hiểm tiền gửi từ đó hút ròng tiền vào quỹ tín dụng nhân dân thì phải làm rõ được quyền lợi của người gửi tiền
Muốn người dân hiểu về bảo hiểm tiền gửi từ đó hút ròng tiền vào quỹ tín dụng nhân dân thì phải làm rõ được quyền lợi của người gửi tiền.
Trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định tuyên truyền chính sách là một trong những nghiệp vụ quan trọng cần đẩy mạnh, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao nhận thức công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi; qua đó giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân tại các địa phương nói riêng.
Quỹ tín dụng nhân dân là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác do các thành viên trong địa bàn tự nguyện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, mục tiêu chính là tương trợ giữa các thành viên. Hoạt động của quỹ chủ yếu từ nguồn vốn góp của các thành viên, đặc biệt là nguồn vốn huy động tại chỗ (tiền gửi tiết kiệm của cá nhân) để cấp tín dụng cho người dân ở địa phương sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, công tác huy động vốn từ dân cư của Quỹ tín dụng nhân dân luôn gặp một số khó khăn nhất định, trong đó tập trung chủ yếu ở yếu tố "tâm lý" khiến người dân e dè khi gửi tiền tại các Quỹ tín dụng nhân dân do trình độ, năng lực cán bộ quản lý Quỹ tín dụng nhân dân hạn chế hơn so với các ngân hàng; do thông tin của người dân chưa đầy đủ; tâm lý lo sợ từ đợt đỗ vỡ hàng loạt Quỹ tín dụng những năm 1989-1990…Từ đó cho thấy, thiếu thông tin là một trong những vấn đề cơ bản khiến một số người dân nông thôn chưa mạnh dạn gửi tiền ở các Quỹ tín dụng nhân dân.
Thực hiện định hướng thông tin tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm tiền gửi giai đoạn hiện nay là hướng về người gửi tiền ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động tìm hiểu và phối hợp với một số Quỹ tín dụng nhân dân tổ chức hội thảo về "Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền" với các đại biểu tham dự chủ yếu là người gửi tiền của các quỹ hoặc người dân trong vùng được quỹ đánh giá là khách hàng tiền gửi tiềm năng, đại diện các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, như Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...
Thông qua hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật Bảo hiểm tiền gửi và các hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; kết quả các hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam từ khi thành lập minh chứng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo vệ đầy đủ.
Cụ thể, trong thời gian qua 100% người tiền thuộc đối tượng được Bảo hiểm tiền gửi tại các Quỹ tín dụng nhân dân đã nhận lại được đủ tiền gửi khi các Quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể. Số tiền gửi vượt hạn mức chi trả thì người gửi tiền tiếp tục được nhận lại trong quá trình thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân.
Hội thảo cũng làm rõ quyền là lợi ích hợp pháp của người gửi tiền qua phần trình bày của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng như Bảo hiểm tiền gửi. Ngoài ra, đại biểu tham dự sự kiện còn được cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước đối với Quỹ tín dụng nhân dân, vai trò hỗ trợ hệ thống từ Ngân hàng hợp tác xã và trên hết, các đại biểu hiểu rằng Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả cũng chính là góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, các thắc mắc của đại biểu được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã giải đáp thỏa đáng trong phạm vi quyền hạn được quy định; từ đó giúp gia tăng niềm tin của người gửi tiền vào hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, an tâm gửi tiền nhàn rỗi, tạo vốn để quỹ cấp tín dụng cho các thành viên và hộ nghèo sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Thông qua các sự kiện tuyên truyền, cơ quan chức năng có thể ghi nhận những phản hồi trực tiếp từ cơ sở để hoàn thiện chính sách, trong đó có các quy định về Bảo hiểm tiền gửi phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Để công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả và đúng định hướng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, hướng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới, Chi nhánh xác định việc phối hợp chặt chẽ với Quỹ tín dụng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng, do đa số người gửi tiền tại các Quỹ tín dung thường tập trung ở khu vực nông thôn.
Mặt khác, người gửi tiền ở các quỹ là nhóm đối tượng ít hoặc thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng, rất cần được thông tin đầy đủ về quyền và lợi ích hợp pháp khi gửi tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân nói riêng và các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi nói chung.
Thực tế cũng cho thấy, mỗi sự kiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi ở cơ sở muốn mang lại hiệu quả cao và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh thì bên cạnh việc phối hợp tốt với Quỹ tín dụng nhân dân, cần có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương và Ngân hàng hợp tác xã trên địa bàn.