"Chiến" dữ dội ở nhóm ngân hàng, khối ngoại cũng đua giá
Thông tin số lượng nhà đầu tư mới lập kỷ lục trong tháng 12/2020 đã kích thích thị trường hưng phấn cao độ hôm nay. Đã thế nhóm ngân hàng còn hút dòng tiền khổng lồ, giá tăng cực nóng
Thông tin số lượng nhà đầu tư mới lập kỷ lục trong tháng 12/2020 đã kích thích thị trường hưng phấn cao độ hôm nay. Đã thế nhóm ngân hàng còn hút dòng tiền khổng lồ, giá tăng cực nóng.
Số tài khoản mới mở của nhà đầu tư cá nhân trong nước cao nhất lịch sử hàng tháng, đạt 63.075 tài khoản trong tháng 12 vừa qua là bằng chứng rõ nhất của từ khóa "chứng khoán" đã lan đến mọi ngóc ngách cuộc sống. Điều này lý giải mức thanh khoản rất lớn và nguyên nhân khiến hệ thống HSX nghẽn.
Mặc dù hiện tượng phân hóa về giá là rất rõ ràng, nhưng sức mạnh từ nhóm ngân hàng hôm nay quá áp đảo, nên các chỉ số tăng cực mạnh. VN-Index lên cao nhất 1.152,85 điểm, tăng 1,79% so với tham chiếu. VN30-Index tăng cao nhất 1,93%.
Động lực chính khiến thị trường bùng nổ hôm nay dù khá nhiều cổ phiếu giảm giá, là nhóm ngân hàng. Kể từ đáy covid cuối tháng 3/2020 đến nay mới lại được chứng kiến VCB tăng giá hết biên độ. VCB đang là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường nên không có gì khó hiểu khi các chỉ số lại tăng nhiều như vậy. CTG cũng kịch trần. HDB lúc cao nhất tăng 5,45%, STB tăng 3,67%, MBB tăng 4,42%, VPB tăng 1,89%, BID tăng 5,64%, TCB tăng 3,18%...
Đây là mức tăng mạnh khủng khiếp của các mã ngân hàng trong một phiên vì khối lượng cổ phiếu trôi nổi của nhóm này cực lớn. Trong bối cảnh mà đa số blue-chips lớn khác lại yếu thì đà đi lên của VN-Index gần như chỉ do nhóm ngân hàng kéo.
Ngay cả khi thị trường xuất hiện đợt xả lớn trên diện rộng, các mã ngân hàng chịu sức ép rất lớn thì nhóm này vẫn là yếu tố duy nhất nâng đỡ chỉ số. VCB đóng cửa tăng 5,74%, CTG tăng 6,92%, BID tăng 1,88% là 3 trụ khỏe nhất, tạo gần 9,5 điểm trong tổng số 10,66 điểm tăng của VN-Index.
Dòng vốn đổ vào các cổ phiếu ngân hàng bất chấp giá đã tăng cực nhanh những phiên gần đây tiếp tục cho thấy sự hấp dẫn của nhóm này. Bất ngờ là nhà đầu tư nước ngoài cũng đuổi giá dữ dội. CTG lên tới giá trần mà khối ngoại vẫn nhảy vào mua được gần 3,5 triệu cổ và mức ròng là 2,92 triệu cổ. HDB cũng được mua 2,72 triệu cổ, mức ròng là hơn 2 triệu. STB, VCB, VPB đều nằm trong danh mục mua lớn nhất của khối này. Thậm chí như VCB khối ngoại còn tranh mua chiếm hơn 57% tổng khối lượng giao dịch trong ngày.
Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua vào mạnh mẽ, nhắm toàn tới các blue-chips đã hỗ trợ thị trường rất nhiều. Riêng nhóm VN30 đã được mua ròng tới 450 tỷ đồng. Ngoài ngân hàng, VRE, HPG, NVL, TCH, VHM, POW, GAS cũng được mua ròng rất nhiều.
Một diễn biến khá giống chiều hôm qua là lại xuất hiện đợt xả mạnh. Lần này giao dịch kéo khá dài từ 1h30 tới gần 2h. Đợt xả này tác động tới tất cả các cổ phiếu, kể cả CTG, VCB mạnh như vậy cũng phải "bung" giá trần. Điều may mắn là đến 2h hệ thống lại nghẽn nên giá không biến động xấu thêm. Đợt ATC một số mã giao dịch cực nhỏ nhưng lại có giá tăng tốt hơn nên VN-Index cải thiện một chút so với cuối đợt khớp lệnh liên tục, đạt 1.143,21 điểm, tăng 0,94%. Cả đợt ATC sàn này chỉ giao dịch 38,2 tỷ đồng, VN30 khớp 12,5 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu thuộc VN30 lưu vết sức ép cực mạnh ở đợt xả cuối lên giá ở gần như tất cả các mã. Duy nhất CTG là đóng cửa vẫn ở mức cao nhất. Các mã ngân hàng còn lại bị ép xuống khá nhiều: BID tụt 3,6%, VPB tụt 1,71%, VCB tụt 1,23%, TCB tụt 2,64%, STB tụt 1,91%, MBB tụt 2,69%, HDB tụt 1,72%...
Thanh khoản của sàn HSX lại có mức kỷ lục mới, với 18.002 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch, trong đó khớp lệnh đạt 15.929 tỷ đồng. Tính chung mức khớp lệnh hai sàn, giá trị đạt tới 17.673 tỷ đồng, lại một lần nữa phá kỷ lục.
Độ rộng của VN-Index cuối ngày chỉ còn 173 mã tăng/163 mã giảm, tức là gần như cân bằng. Tuy vậy VN-Index vẫn tăng trên 10 điểm sang phiên thứ 3 liên tiếp. Dòng tiền cũng tập trung rất lớn vào nhóm blue-chips. Điều này dẫn tới khả năng sự phân hóa sẽ bỏ lại rất nhiều cổ phiếu trong các phiên tới dù chỉ số sẽ tiếp tục đi lên.