15:15 10/11/2021

Chiến lược "Zero Covid" có thể khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc sâu

An Huy

Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nước này tiếp tục theo đuổi "Zero Covid", chiến lược nhằm triệt tiêu ca nhiễm – một chuyên gia kinh tế cảnh báo...

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Phúc Kiến, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Getty/CNBC.
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Phúc Kiến, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Getty/CNBC.

“Nếu Trung Quốc giữ nguyên chiến lược "Zero Covid", tôi cho rằng nhu cầu của thị trường trong nước sẽ chịu áp lực lớn”, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách các nền kinh tế mới nổi của Commerzbank, ông Hao Zhou, nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

“Chúng ta đều biết rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng chiến lược này trong thời gian trước mắt. Bởi vậy, trong 2 quý tới đây, tôi cho rằng các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc về cơ bản sẽ tiếp tục giảm tốc.

Khi đại dịch Covid-19 mới xảy ra, nhiều quốc gia ở khu vực châu Á đã sử dụng các biện pháp quyết liệt nhằm đưa số ca nhiễm về 0 trong biên giới nước mình. Nhưng rồi các nước đã lần lượt từ bỏ chiến lược này do biến chủng Delta lây lan nhanh và phong toả trở nên kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát sự lây nhiễm.

Chiến lược "Zero Covid" thường bao gồm phong toả nghiêm ngặt, ngay cả khi chỉ phát hiện một vài ca nhiễm, xét nghiệm trên diện rộng, kiểm soát chặt hoặc đóng cửa biên giới, hệ thống truy vết đến cùng các ca nhiễm, và lệnh cách ly.

Không giống như nhiều nước khác trong khu vực, Trung Quốc đến nay vẫn nhất quyết theo đuổi "Zero Covid". Vào cuối tháng 11 vừa qua, du khách thăm công viên giải trí Disneyland Thượng Hải đã phải đợi xét nghiệm Covid-19 xong mới được ra khỏi công viên này. Yêu cầu này được đưa ra sau khi nhà chức trách phát hiện một số F1 đến thăm công viên này trong tuần trước đó.

Ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc do cuộc khủng hoảng thiếu điện khiến các nhà máy gián đoạn sản xuất. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nợ ở công ty bất động sản Evergrande cũng đang là một vấn đề gây lo ngại. Nỗi lo gia tăng trong những ngày gần đây, khi có thêm nhiều doanh nghiệp địa ốc khác của Trung Quốc trễ hạn thanh toán nợ hoặc vỡ nợ trái phiếu.

Quý 3 vừa qua, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,9%, không đạt dự báo tăng 5,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng này cũng giảm mạnh từ con số tăng 7,9% đạt được trong quý 2.

Một loạt ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm nay. Trong dự báo đưa ra cuối tháng 10, Standard & Chartered cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 8,8% cả năm nay, từ mức dự báo trước đó là tăng 8,8%. JPMorgan Chase hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm về 8,3% từ 8,7%.

“Tôi cho rằng với nền kinh tế giảm tốc như thế này, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải triển khai một số biện pháp hỗ trợ có trọng điểm, có thể bao gồm các biện pháp chính sách tiền tệ, nhằm hướng dòng vốn cho vay đến những khu vực sáng tạo hơn và năng suất hơn của nền kinh tế”, Giáo sư về chính sách thương mại Eswar Prasad của Cornell University nhận định.

Trao đổi với CNBC, ông Prasad cho rằng Bắc Kinh đang đối mặt với “những thách thức rất lớn trong ngắn hạn” về cân bằng chính sách.

“Làm thế nào để nền kinh tế bớt phụ thuộc vào khu vực công nghiệp trong khi vẫn phải duy trì mức tăng trưởng khá? Làm thế nào để kiểm soát được lĩnh vực bất động sản trong khi vẫn cần giữ tốc độ tăng trưởng và để cho ngành này tiếp tục là một phần quan trọng của nền kinh tế?” ông Prasad nêu các thách thức của Trung Quốc. “Và làm thế nào để giữ động lực cho nền kinh tế trong khi sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế tăng lên?”

Năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân, như các công ty công nghệ lớn, thông qua siết chặt quy định về chống độc quyền, bảo vệ dữ liệu…