16:40 12/06/2013

Chính phủ báo cáo 22 nội dung công việc đã được chất vấn

Hoài Ngân

Lĩnh vực ngân hàng là một trọng tâm trong phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trước Quốc hội chiều 12/6

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong 6 tháng qua, Chính phủ đã 
quyết liệt chỉ đạo, nhờ đó "nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực”.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong 6 tháng qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, nhờ đó "nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực”.
Báo cáo Quốc hội về việc triển khai thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chiều 12/6 cho biết đã có 22 nhóm nhiệm vụ thuộc 4 lĩnh vực đã được thực hiện.

Theo Phó thủ tướng, ngay sau kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã "nghiêm túc triển khai nghị quyết, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm".

Về lĩnh vực công thương, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và trình Quốc hội về miễn, giảm thuế. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về mở rộng thị trường trong và ngoài nước, quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai gắn với đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục củng cố, đổi mới hệ thống thu mua, phân phối hàng hóa và triển khai các mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Trong lĩnh vực xây dựng, để giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định cho vay hỗ trợ nhà ở; nghiên cứu phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; đang hoàn tất thủ tục để ban hành nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm vốn tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.

Đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối của Nhà nước tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên.

So với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 3 - 4%/năm. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5 tháng đầu năm 2012 tăng 0,56%).

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, chỉ số giá tháng 5 năm 2013 tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2012 và tăng 6,36% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đến nay, cơ bản kiểm soát được tình hình của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, khả năng chi trả của các ngân hàng này được cải thiện đáng kể; quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm; nguy cơ mất an toàn giảm.

Mặt khác, đã hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa lần đầu và thực hiện lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), tăng vốn điều lệ, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và đang triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng liên doanh.

Về xử lý nợ xấu, đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp xử lý nợ xấu như rà soát, đánh giá, phân loại lại nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn, tài sản bảo đảm; đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo để có giải pháp xử lý phù hợp. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng rủi ro; ban hành quy định mới về phân loại tài sản có, về mức, phương pháp trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn.

Bên cạnh đó, đã ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đã phê duyệt đề án xử lý nợ xấu nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4 năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 4,67%. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu là 7,8%.

Về quản lý thị trường vàng, sau gần một năm thực hiện, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra là sắp xếp lại, xác lập trật tự, kỷ cương trên thị trường vàng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; khắc phục tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong 6 tháng qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, nhờ đó "nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực”. Tuy nhiên, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới như hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu...