15:45 26/10/2021

Chính phủ đốc thúc chống buôn lậu và hàng giả dịp Tết Nhâm Dần

Trâm Anh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Ban chỉ đạo 389 cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Cục Hải quan TP. Hải Phòng phối hợp với các lực lượng phát hiện, xử lý lô hàng 1 triệu bao thuốc 555 giả mạo từ Campuchia vào Việt Nam.
Cục Hải quan TP. Hải Phòng phối hợp với các lực lượng phát hiện, xử lý lô hàng 1 triệu bao thuốc 555 giả mạo từ Campuchia vào Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 278/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại hội nghị giao ban quý 3/2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Chỉ đạo trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang từng bước mở cửa nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, thứ nhất, để đưa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chuyển biến hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ hai, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 
"Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.       

Trong đó, chú trọng đến các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 8/10/2021 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021.

Thứ ba, Ban Chỉ đạo 389 và các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới. Công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ tư, làm tốt công tác nghiệp vụ, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa.

Thứ năm, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề liên quan đến nhóm mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả... Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu và việc quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý.

Văn phòng Thường trực chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xây dựng các kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu qua đường hàng không, buôn lậu mặt hàng tiêu dùng, tạp hóa qua biên giới…, đặc biệt là Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

 
9 tháng năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng và khởi tố hơn 1.600 vụ án, với hơn 2.000 đối tượng, góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.