11:18 22/01/2013

Chính sách một con của Trung Quốc sắp "hết thời"?

An Huy

Chính sách một con của Trung Quốc đang tạo rào cản đối với tăng trưởng và là nguồn gốc gây ra nhiều vấn đề xã hội

Còn theo các chuyên gia kinh tế, chính sách một con là nguồn gốc dẫn tới tỷ lệ tiết kiệm cao của người Trung Quốc.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, chính sách một con là nguồn gốc dẫn tới tỷ lệ tiết kiệm cao của người Trung Quốc.
Trung Quốc có khả năng sẽ xem xét nới lỏng chính sách quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con bởi chính sách này đang bộc lộ ngày càng nhiều bất cập.

Câu chuyện của hãng tin Reuters bắt đầu với một phụ nữ tên là Hu Yanqin sống trong một khu làng ở Jiuquan, một địa phương thuộc tỉnh Gansu, gần sa mạc Gobi. Khi kết hôn với một công nhân xây dựng 7 năm trước, Hu nghĩ mình sẽ chỉ sinh một con, mặc dù khu vực nơi cô sống là một trong nơi hiếm hoi ở Trung Quốc mỗi cặp vợ chồng có thể sinh hai con từ năm 1985.

“Những người có hai con lại là những người khấm khá hơn. Nhưng phần đông mọi người trong làng tôi chỉ có một con”, Hu nói khi đưa cậu con trai 6 tuổi vào lớp học.

Những người ủng hộ việc thay đổi chính sách một con của Trung Quốc dùng trường hợp của Hu và hàng triệu người khác giống cô như bằng chứng để chứng minh rằng, việc nới lỏng chính sách này sẽ không dẫn tới việc dân số tăng vọt ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Địa phương Jiuquan có tỷ lệ sinh hàng năm là 8-9 trẻ/1.000 người, thấp hơn mức trung bình toàn quốc 12 trẻ/1.000 người.

Chính sách 1 con của Trung Quốc được thực thi từ năm 1980 cùng với những cải cách khác tạo ra tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của nước này. Tuy nhiên, chính sách này đang bộc lộ nhược điểm là tạo rào cản đối với tăng trưởng và là nguồn gốc gây ra nhiều vấn đề xã hội.

Theo dự báo, lực lượng lao động của Trung Quốc hiện ở mức khoảng 930 triệu người sẽ bắt đầu suy giảm từ năm 1925 với tốc độ khoảng 10 triệu người mỗi năm. Trong khi đó, dân số già của Trung Quốc sẽ đạt mức 360 triệu người vào năm 2030, từ mức khoảng 200 triệu người vào năm 2013.

“Nếu xu hướng này tiếp tục, sẽ không có người đóng thuế, không có người lao động và không có ai chăm sóc người già”, giáo sư dân số học Gu Baochang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định.

Hôm thứ Sáu tuần trước, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trung Quốc Ma Jiantang, phát biểu rằng, nước này nên xem xét “một chính sách kế hoạch hóa gia đình phù hợp và khoa học”. Phát biểu này của ông Ma được đưa ra sau khi thống kê cho thấy số người trong độ tuổi lao động từ 15-59 của Trung Quốc đã lần đầu tiên suy giảm.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, chính sách một con là nguồn gốc dẫn tới tỷ lệ tiết kiệm cao của người Trung Quốc. Một người là con một trong gia đình phải gánh toàn bộ trách nhiệm phải chăm sóc cha mẹ khi về già. Trong trường hợp người con đó kết hôn với một người con một khác, thì cặp vợ chồng sẽ phải chăm sóc 4 người già là cha mẹ đôi bên. Thực tế này làm gia tăng khả năng người lao động ở Trung Quốc phải tiết kiệm tiền để lo lúc tuổi già chứ không dám chi tiêu.

Như vậy, tiến trình “tái cân bằng” nền kinh tế của Trung Quốc - trong đó Bắc Kinh chủ trương thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nhằm hướng tới sự tăng trưởng bền vững – sẽ bị cản trở.

Kỳ vọng vào việc Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách một con bằng cách dần cho phép các cặp vợ chồng được sinh 2 con đã gia tăng kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bỏ câu “duy trì tỷ lệ sinh thấp” trong một báo cáo tại Đại hội Đảng nước này vào tháng 11 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, một bài phát biểu quan trọng của một nhà lãnh đạo Trung Quốc không đề cập tới cụm từ này, đồng thời đây có thể là một tín hiệu cho thấy những cải cách có thể diễn ra ở Trung Quốc trong thời gian tới.

Chính sách một con hiện áp dụng đối với 63% dân số của Trung Quốc và Bắc Kinh tuyên bố, từ năm 1980 đến nay, chính sách này đã ngăn không cho dân số Trung Quốc tăng thêm 400 triệu người. Chính sách một con đã được Trung Quốc thực thi rất nghiêm ngặt. Các cặp vợ chồng không tuân thủ quy định nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì mất việc.

Tuy nhiên, ngày càng có những bằng chứng rõ nét cho thấy, chính sách một con có thể không còn cần thiết để kiểm soát tăng trưởng dân số của Trung Quốc.

Vào năm 2008, Đại học Nhân dân Trung Quốc và Trung tâm Chính sách công Brookings-Tsinghua đã phối hợp thực hiện một nghiên cứu về chính sách một con tại 4 khu vực với tổng dân số 8 triệu người. Nghiên cứu kết luận, mức chi phí lớn cho việc nuôi dạy con đã đủ để kiểm soát tốc độ tăng. Trong khi đó, việc được tự do sinh con thứ hai giúp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mất cân bằng giới tính là một tác dụng phụ không mong muốn của chính sách một con. Giống như hầu hết các nước châu Á khác, người Trung Quốc có truyền thống thích có con trai hơn. Tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước này vào khoảng 118 trẻ trai/100 trẻ gái, so với mức trung bình toàn cầu là 103 trẻ trai/107 trẻ gái.

Ở Jiuquan, tỷ lệ giới tính khi sinh là 110 trẻ trai/100 trẻ gái, ít mất cân đối hơn so với trung bình toàn quốc vì người dân ở đây được sinh hai con.

Ông Tian Xueyuan, một trong những người soạn thảo đầu tiên chính sách một con cho Reuters biết, gần 1 thập kỷ trước, ông đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Trung Quốc về những hạn chế của chính sách này. “Một tỷ lệ lớn đàn ông Trung Quốc sẽ không tìm được vợ… và đó sẽ là một nhân tố gây bất ổn xã hội”, ông Tian cho biết đã nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc như vậy.

Ông Tian cho rằng, tính hữu ích của chính sách một con đến nay không còn nữa. “Đó là một chính sách đặc biệt có giới hạn về thời gian, cụ thể là để kiểm soát tỷ lệ sinh trong một thế hệ”.

Dù được sinh hai con nhưng phụ nữ ở Jiuquan hiện nay vẫn rất dè dặt trong vấn đề sinh đẻ. Họ phàn nàn về mức học phí cao và chi phí nuôi dậy con cái. “Nuôi được một đứa con đã là vất vả lắm rồi”, cô Xiang Juan, 26 tuổi, có một cậu con trai, nói.