Chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ “vững tay chèo” giúp kinh tế vượt sóng
Cả nhà điều hành chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ đều khẳng định đã có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho những áp lực trong năm 2023
Với loạt bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... đang đặt ra thách thức gay gắt đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Do đó, thị trường đang kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ tìm ra phương hướng để đưa kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức.
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, cả nhà điều hành chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ đều khẳng định đã có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho năm 2023.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ Trưởng Bộ Tài chính, cơ quan này đã có những gói tài khóa khác nhau để ứng biến với diễn biến sắp tới. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất giãn hoãn một số khoản thuế và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản.
“Bộ Tài chính cũng sẽ giảm thuế đất. Đồng thời, duy trì mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Từ đó, dư địa trong việc điều hành giá cả hàng hoá sẽ nhiều hơn”, ông Chi nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho hay, Bộ Tài chính sẽ cố gắng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế trên cơ sở tăng thu ngân sách, giảm chi, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Qua đó, đảm bảo tiến độ của các dự án đầu tư công, cũng như các dự án trong việc phục hồi kinh tế.
Về thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp doanh nghiệp minh bạch có thể huy động vốn. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Từ đó, áp lực lên vốn tín dụng sẽ giảm nhanh.
“Riêng về pháp lý, chúng tôi đã xin ý kiến và đang triển khai nhanh việc sửa đổi Nghị định 65. Tôi tin rằng, niềm tin của nhà đầu tư sẽ được củng cố và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phục hồi”, vị Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về phía chính sách tiền tệ, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, năm 2022, mục tiêu ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, số liệu lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng và vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với diễn biến đó, kinh tế Việt Nam quả thật sẽ gặp một số áp lực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chậm lại, một số nước và thị trường chính của Việt Nam có khả năng rơi vào suy thoái.
Theo đó, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước phải ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải điều hành hợp lý và đồng bộ cả lãi suất và tỷ giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý với diễn biến thị trường và diễn biến kinh tế vĩ mô. Mặt khác, trong những hoàn cảnh khó khăn, có thể phải có mục tiêu ưu tiên.
Ngoài ra, về đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định mục tiêu ổn định tâm lý người gửi tiền.
Ông Hà cho biết thêm, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, bên cạnh vốn ngoại thì nguồn vốn nội thực chất vẫn đến từ 3 nguồn chính gồm tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và đầu tư công. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và chính sách vĩ mô khác.
Bởi lẽ, ông Hà cho rằng, thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bất động sản có sự liên thông rất chặt với nhau. Nếu thị trường chứng khoán trục trặc sẽ tạo áp lực cho tín dụng ngân hàng, ảnh hưởng tới tâm lý của người gửi tiền. Ngược lại, thanh khoản của tổ chức tín dụng khó khăn cũng ảnh hưởng tới vận hành, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Nhu cầu của nền kinh tế luôn cao. Ngân hàng Nhà nước cố gắng đảm bảo vai trò của nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên cũng cần có sự hỗ trợ từ thị trường vốn và đầu tư công”, ông Hà thẳng thắn nói.