Chính sách tài khóa và tiền tệ: Hợp lực thúc đẩy tăng trưởng cao
Giới phân tích nhận định rằng năm 2025, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức, tác động mạnh lên tỷ giá và lạm phát, nhất là khi cầu hàng hóa trong nước và thế giới chưa phải hồi phục hoàn toàn. Bởi vậy, cần tận dụng dư địa để mở rộng chính sách tài khóa nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025..
Những tháng cuối năm Giáp Thìn, xuyên suốt các chỉ đạo bộ, ngành liên quan về tài khóa và tiền tệ năm 2025, Chính phủ luôn đề cập đến 3 mục tiêu: kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, lạm phát (CPI) tăng 3,63% cách xa vùng mục tiêu 4% từ đầu năm; năm 2025, Chính phủ nới rộng mục tiêu lạm phát lên 4,5%.
PHỐI HỢP NHỊP NHÀNG CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ&TIỀN TỆ
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đánh giá năm 2025 tiếp tục là năm đầy thách thức trước một loạt yếu tố: lạm phát toàn cầu giảm nhưng chưa bền vững, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan. Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng rộng nên khó tránh khỏi những cú sốc từ bên ngoài.
Tại cuộc họp báo tổng kết năm 2024 của Bộ Tài chính, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhận định rủi ro địa chính trị trên thế giới hiện vẫn ở mức cao, cạnh tranh thương mại dự kiến sẽ gay gắt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump (Trump 2.0) ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, logistics, từ đó tác động đến giá nguyên, nhiên liệu.
Giới phân tích dự báo chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ mới có thể làm xáo trộn các chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng. Nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lên. Điều này sẽ tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường, góp phần đẩy lạm phát tăng.
Ở trong nước, rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu. Cùng đó, Chính phủ cũng có lộ trình tăng giá một số dịch vụ công, điều chỉnh giá điện từ tháng 6/2025.
Theo ông Phạm Văn Bình, năm 2025, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Cục Quản lý giá tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; chủ động kịch bản điều hành với từng nhóm mặt hàng, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, liên tục bám sát thông tin thị trường, cung cầu hàng hóa, để lên các kịch bản điều hành phù hợp cho cả năm.
Nhận xét về mối tương quan giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2025, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế biến động khó lường, không thể cùng lúc cả hai chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều mở rộng. Công tác điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát”.
Theo đó, đối với chính sách tiền tệ, nếu đánh giá thấp rủi ro lạm phát, các giải pháp đưa ra không thể có tác dụng ngay vì cần độ trễ, lúc đó sẽ tác động tiêu cực lên các hoạt động kinh tế.
“Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Quốc hội, Chính phủ đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, đảm bảo giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.
ÁP LỰC GIẢM THÂM HỤT THƯƠNG MẠI & TÁC ĐỘNG TỚI TỶ GIÁ
Tỷ giá là chỉ số phản ánh chính xác tình trạng cán cân thanh toán tổng thể và cán cân thương mại luôn là điểm nhạy cảm trong đó. Nếu cán cân thương mại thặng dư càng lớn, sẽ càng hỗ trợ tích cực cho cán cân thanh toán tổng thể, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá.
Năm 2024, tỷ giá USD/VND biến động căng thẳng và dồn dập, gây không ít khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ, xuất phát từ rất nhiều yếu tố mà đầu tiên là chỉ số đo sức mạnh đồng USD (USD Index - DXY) luôn neo cao.
Có thời điểm ở năm 2024, DXY vượt ngưỡng 108 điểm, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, tăng 7,6%, gây áp lực lớn lên các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng tiền nội tệ của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, nhất là Fed duy trì lãi suất cao đã khiến dòng ngoại hối chảy ra khỏi Việt Nam để tìm đến những thị trường sinh lời cao. Số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2024.
Một nguyên nhân khác, theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), từ cuối quý 3/2024, Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính huy động một lượng ngoại tệ lớn lên đến 5,1 tỷ USD để trả nợ nước ngoài, cũng như thanh toán các khoản trái phiếu chính phủ đến hạn, đã khiến thị trường ngoại tệ trong nước căng thẳng vào cuối năm.
“Bằng nhiều biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 5,03%, mức tăng thấp so với nhiều đồng tiền chủ chốt ở châu Á như đồng Won Hàn Quốc, Peso Philippines, Rupiah Indonesia,... Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là mức tăng hợp lý đảm bảo hỗ trợ cho cả nhập khẩu và xuất khẩu”, ông Quang cho biết.
Năm 2025, Fed dự kiến giảm lãi suất 1-2 lần, tương đương giảm 0,5%. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng từng bước cắt giảm lãi suất. Giới phân tích đánh giá khi chênh lệch lãi suất được thu hẹp và bối cảnh thay đổi so với năm 2022 khi Fed bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất sẽ giúp tỷ giá dịu lại. Từ đó, áp lực lên chính sách tiền tệ được giãn ra.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại rằng năm 2025 thặng dư thương mại hàng hóa có thể tăng trưởng chậm lại do Việt Nam phải đối diện áp lực giảm thâm hụt thương mại quốc tế, đặc biệt với Mỹ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trong nhóm quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Do đó, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ gây sức ép để thu hẹp thặng dư thương mại, nếu không, Việt Nam sẽ bị dán nhãn thao túng tiền tệ.
Đáng chú ý, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định trong những năm tới xu hướng bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2024, Việt Nam đã trải qua 6 vụ điều tra chống trợ cấp và 270 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường xuất khẩu.
Bởi vậy, giới phân tích cho rằng ngay cả khi được bù đắp từ dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) duy trì tăng trưởng tốt, thặng dư xuất nhập khẩu vẫn có nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Điều này sẽ gây áp lực trực tiếp lên dòng tiền USD thanh toán và kéo theo căng thẳng tỷ giá.
TẬN DỤNG DƯ ĐỊA CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ ĐỂ HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG CAO
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt dự toán khoảng 336,5 nghìn tỷ đồng, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế và hiệu quả trong công tác quản lý thu; tạo không gian cho chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng trong năm 2025. Ngược lại, kế hoạch chi tiêu vốn ngân sách năm 2024 còn dư do chưa đảm bảo tiến độ, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công.
Lũy kế 12 tháng năm 2024, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 77,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy vậy, tiến độ được đẩy nhanh trong những tháng cuối năm, cụ thể, vốn giải ngân ghi nhận 221.796 tỷ đồng trong quý 4, so với tổng vốn 9 tháng đầu năm giải ngân đạt 307.837 tỷ đồng.
Bộ Tài chính chỉ ra các vướng mắc chủ yếu bao gồm những khó khăn về cơ chế chính sách chưa đồng bộ, tình trạng giải phóng mặt bằng chậm, vấn đề quy hoạch sử dụng đất chưa rõ ràng, nguồn cung ứng nguyên vật liệu bị hạn chế và thủ tục pháp lý nói chung còn nhiều bất cập.
Chính phủ đang theo dõi sát sao tiến độ của từng dự án, cũng như đưa ra những cải cách mới về luật và chính sách mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhằm giảm phiền hà và chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp thông qua Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024, Công điện số 131/CĐ-TTg ngày 11/12/2024.
Ngoài ra, Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đóng góp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế lớn trong năm 2025.
Cùng với việc thu, chi ngân sách đảm bảo cân đối, nợ công Chính phủ khoảng 4,1 triệu tỷ đồng, tương đương mức năm 2023; tỷ lệ nợ công/GDP tiếp tục giảm, đạt 36,5%. Đây là mức nợ vay rất thấp so với các quốc gia cùng khu vực, cho thấy dư địa mở rộng chính sách tài khóa là rất lớn.
Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng miễn, giảm thuế, phí để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là động lực tăng trưởng quan trọng.
Cùng với chính sách tài khóa mở rộng, giới phân tích kỳ vọng hiệu suất của bộ máy quản lý sẽ gia tăng sau khi kế hoạch hành động tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo nghị quyết của Bộ Chính trị được thực thi, từ đó tạo những cú hích cho tăng trưởng kinh tế.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-20245 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam