Choáng với cổ phiếu ngân hàng
Dòng tiền đột ngột quay lại nhóm cổ phiếu ngân hàng với cường độ gây sốc. Hàng ngàn tỷ đổ vào TCB, STB, VPB, MBB, LPB... kéo thanh khoản bùng nổ. VN-Index lẫn VN30-Index hưởng lợi lớn, đồng loạt vượt đỉnh cao lịch sử hôm nay...
Dòng tiền đột ngột quay lại nhóm cổ phiếu ngân hàng với cường độ gây sốc. Hàng ngàn tỷ đổ vào TCB, STB, VPB, MBB, LPB... kéo thanh khoản bùng nổ. VN-Index lẫn VN30-Index hưởng lợi lớn, đồng loạt vượt đỉnh cao lịch sử hôm nay.
Sức mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng dĩ nhiên tác động lớn nhất lên VN30-Index. Chỉ số này phải chờ tới 4 tuần sau khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử thì mới đến lượt. Trong 4 tuần đó, cổ phiếu ngân hàng gây chán nản cho tất cả các nhà đầu tư trung thành. Hôm nay nhóm ngân hàng đã “trả nợ”.
Dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng hôm nay gợi nhớ lại thời hoàng kim hồi tháng 5, tháng 6 vừa qua. Trong 7 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất cả 3 sàn với mức tối thiểu trên mốc ngàn tỷ đồng khớp lệnh, có tới 5 mã ngân hàng. Nếu mở rộng ra Top 15 thanh khoản, ngân hàng góp 9 mã.
Thanh khoản cực mạnh nhưng là do nhà đầu tư mua vào ồ ạt, nhờ đó giá cũng tăng theo chiều thanh khoản tăng. TCB giao dịch khủng nhất với 2.832,8 tỷ đồng, giá tăng 5,51%, STB khớp 2.007,6 tỷ đồng giá tăng 6,84%, VPB khớp 1.330,2 tỷ, giá tăng 2,9%, MBB khớp 1.293,8 tỷ giá tăng 6,92%, LPB khớp 1.079,8 tỷ giá tăng 6,29%.
Trên cả ba sàn, toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá, yếu nhất là TPB tăng 0,82%, nhưng số còn lại đều tăng xấp xỉ 3% trở lên. 6 mã ngân hàng kịch trần là OCB, MBB, VIB, SSB, STB và EIB.
Cổ phiếu ngân hàng dĩ nhiên là nòng cốt của VN30-Index nên không có gì bất ngờ khi chỉ số này đóng cửa tăng tới 2,1%, mạnh hơn nhiều mức tăng 1,72% của VN-Index.
TCB là trụ mạnh nhất của VN30-Index, tiếp đó là MBB, STB, ACB và VPB. Top 5 này giúp VN30-Index có 23 điểm tăng trong tổng số 32,17 điểm. Tuy nhiên đối với VN-Index, 5 mã này chỉ đem lại 8 điểm. Trụ mạnh nhất của VN-Index là VCB.
Không chỉ kéo mạnh về chỉ số, cổ phiếu ngân hàng cũng thổi luồng gió mới vào thanh khoản của nhóm blue-chips. Tổng giá trị khớp lệnh của rổ VN30 tăng vọt 94% so với hôm qua, đạt 16.014 tỷ đồng. Mức này thấp hơn một chút so với 2 kỷ lục lịch sử là 17.468 tỷ đồng hôm 20/8 và 18.687 tỷ đồng hôm 12/7 vừa qua.
Dòng tiền đột ngột dồn vào cổ phiếu ngân hàng đã có sức lan tỏa rất lớn. Lý do một phần là cả VN-Index lẫn VN30-Index đều đồng loạt được nhóm này kéo vượt đỉnh lịch sử. VN-Index thực chất là vượt đỉnh cách đây 2 tuần, còn VN30-Index chính thức có đỉnh mới khi vượt qua ngưỡng lịch sử đầu tháng 7.
Tuy vậy nhóm VN30 vẫn có 6 cổ phiếu giảm giá ngược dòng. “Thảm” nhất là HPG, giảm 1,82%. Cả nhóm thép đều lao dốc nặng hôm nay, khi HSG cũng rơi 2,94%, NKG giảm 4,98%, VIS giảm 1,6%, TLH giảm 0,99%... Dầu khí có GAS giảm 1,53%. VIC không kéo chỉ số, giảm 0,74% và SAB tham chiếu. Như vậy cả VN30-Index lẫn VN-Index đều có cơ hội tăng mạnh hơn nữa nếu các trụ còn sót lại này tăng theo xu hướng chung, vì HPG là trụ của VN30 còn VIC cực lớn trong VN-Index.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục tỏ ra yếu ớt trong phiên chiều. VNSmallcap đóng cửa tăng 0,14%, thanh khoản cả ngày đạt 3.951 tỷ đồng, chỉ tương đương hôm qua, tức là giảm đâu đó 40% so với trung bình tuần trước.
Mặc dù không thể tăng nóng đồng loạt, nhưng cổ phiếu nhỏ vẫn có nhiều mã giao dịch khá mạnh như HDG, TTF, MCG, DBC, SJF. Sàn HoSE ghi nhận 28 mã kịch trần, HNX có 14 mã và UpCOM là 34 mã.
Thanh khoản sụt giảm xuống mặt bằng thấp mới của nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục phát tín hiệu dòng tiền đã rời khỏi nhóm này và dịch chuyển trở lại các blue-chips, midcap. VN-Index được trợ lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tiến sát mốc 1.500 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài đi ngược dòng hôm nay khi bán ròng 972,9 tỷ đồng trên HoSE. VPB bị bán cực lớn -292,5 tỷ. Nhóm chứng khoán có VCI bị rút trên 121 tỷ ròng, SSI khoảng 94 tỷ, HCM gần 94 tỷ, VND hơn 33 tỷ. HPG, VIC là hai mã khác bị bán ròng trên trăm tỷ đồng.