21:48 05/11/2010

Chống tham nhũng: Chưa yên tâm về những con số “đẹp”

Nguyên Hà

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đánh giá của Chính phủ là tham nhũng có giảm

Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của các cơ quan tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của các cơ quan tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng.
Không được trình bày tại hội trường, song nhiều nội dung tại báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2010 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Tư pháp lại được nhấn mạnh tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều nay (5/11).

Mặc dù, theo chương trình, đây cũng chỉ là nội dung ‘kết hợp thảo luận” cùng với các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá.

Theo đánh giá của Chính phủ thì năm 2010 “tình hình tham nhũng tuy có giảm, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn”.

 Báo cáo đã nêu ra không ít con số được đánh giá là "giảm". Như, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước).

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10 % số bị can cùng kỳ năm trước). Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo cùng kỳ năm trước).

Còn, theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp thì “tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng”.

Đồng tình với những nhận xét “thẳng thắn, xác đáng” tại báo cáo thẩm tra, đại biểu Đặng Văn Xướng cho rằng đừng vì những con số giảm như nói trên mà nói rằng tình hình tham nhũng giảm. Chưa yên tâm với những con số “đẹp”, vị đại biểu này cho rằng con số giảm trong báo cáo của Chính phủ là rất đáng suy nghĩ.

Bởi năm qua một số địa phương phát hiện xử lý vụ tham nhũng ít, cá biệt có địa phương không phát hiện vụ việc nào? Tình hình có tốt đẹp như vậy hay thế nào, còn bao nhiêu vụ tham nhũng khác mà các địa phương chưa phát hiện xử lý? đại biểu Xướng đặt câu hỏi.

Băn khoăn vì số vụ được phát hiện xử lý chủ yếu ở cơ sở, ông Xướng phát biểu, phải chăng càng lên cao tham nhũng giảm mạnh, hay càng cao quy mô càng lớn, tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thủ đoạn tinh vi, tác hại tổn thất càng lớn, vì dính dáng đến nhiều cấp, nhiều người cho nên khó phát hiện, xử lý hơn?

Điều khiến đại biểu Xướng và một số ý kiến khác lo ngại là hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thời gian qua chưa cao, đang bị dư luận hoài nghi, điển hình là thanh kiểm tra ở Vinashin.

“Đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá đúng tình hình tham nhũng 2010, đây là điều quan trọng để chúng ta có giải pháp thích hợp, trong năm tới và những năm kế tiếp”, ông Xướng nói.

Cũng liên quan đến đánh giá của Chính phủ, đại biểu Lê Văn Tâm băn khoăn về con số tội phạm kinh tế giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi thực tế thì có những con đường vừa làm xong đã hỏng không sử dụng được, chi phí đầu tư xây dựng các công trình, trụ sở Nhà nước… gấp đôi so với dân bỏ ra làm, hay chưa sử dụng được đã xuống cấp.

“Nói tội phạm kinh tế hay tội phạm tham nhũng giảm là không thuyết phục’, ông Tâm nhấn mạnh.

Vẫn về con số giảm, đại biểu Trần Văn Kiệt đặt vấn đề “giảm vậy là hết tham nhũng hay không dám phát hiện tham nhũng”. Vị đại biểu này phản ánh nhiều cử tri băn khoăn “có phải lúc này phong trào chống tham nhũng của chúng ta bị thoái trào không, bởi nói giảm mà tham nhũng vẫn còn nhiều, vẫn nghiêm trọng".

Đăng ký phát biểu sau cùng, sau khi nêu hàng loạt con số về kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng nhìn nhận, hiện hoạt động thanh tra còn nhiều yếu kém, bất cập. Có những thời điểm thanh tra dồn dập, chồng chéo nhưng phát hiện xử lý vi phạm còn hạn chế.

Một biện pháp quan trọng theo ý kiến một số vị đại biểu là muốn đẩy lùi tham nhũng thì nói phải đi đôi với làm. Vì, hiện một số nơi thường không thấy tham nhũng ở cơ quan mình, không chủ động phòng chống ở cơ sở.
 
“Đừng để cho xã hội bàng quan, thờ ơ, vô cảm, quen dần rồi đến chỗ sống chung với tham nhũng” có vị đại biểu đề nghị.