Chốt lời ngắn hạn, thị trường giằng co, FPT đỡ chỉ số
Nhịp tăng T+ khá tích cực những ngày qua đã kích thích áp lực chốt lời xuất hiện. Thị trường sáng nay chuyển trạng thái giằng co và hầu hết cổ phiếu bị ép dần xuống. VN-Index chốt phiên tăng 1,5 điểm (+0,12%) trong đó FPT đỡ tới gần 1,4 điểm...
Nhịp tăng T+ khá tích cực những ngày qua đã kích thích áp lực chốt lời xuất hiện. Thị trường sáng nay chuyển trạng thái giằng co và hầu hết cổ phiếu bị ép dần xuống. VN-Index chốt phiên tăng 1,5 điểm (+0,12%) trong đó FPT đỡ tới gần 1,4 điểm.
Nhóm cổ phiếu trụ vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ sót lại 3 cổ phiếu tăng giá là BID tăng 0,33%, FPT tăng 2,89% và HPG tăng 0,52%. Ngay cả những cổ phiếu này cũng chịu sức ép đáng kể, FPT tăng đạt đỉnh từ khoảng 10h45 tăng 3,13% và toàn thời gian còn lại đi ngang yếu dần. HPG đạt đỉnh lúc khi mở cửa, tăng 1,05%, sau đó suy yếu. BID trong vài phút cuối cũng đã bị ép xuống.
Thống kê cho thấy rổ VN30 hiện chỉ còn TCB duy trì được giá cao nhất, tăng 0,87%, còn lại toàn bộ đều tụt giá với biên độ khác nhau, trong đó 6 mã để mất hơn 1% so với mức đỉnh. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa hàng đầu, VCB đã giảm 0,11%, GAS giảm 0,13%, CTG giảm 0,31%, VHM giảm 0,92%, VIC giảm 0,48%, VPB giảm 0,26%. Chỉ số VN30-Index chốt phiên tăng 0,32% (+4,16 điểm) với 10 mã tăng/14 mã giảm, chủ đạo là nhờ FPT khi cổ phiếu này đóng góp tới 4,6 điểm.
Diễn biến giao dịch sáng nay cũng cho thấy áp lực bán có tín hiệu tăng dần. VN-Index đạt đỉnh cao nhất ngay vài phút sau khi mở cửa và độ rộng cũng tốt nhất. Lúc 9h45 độ rộng chỉ số ghi nhận 201 mã tăng/114 mã giảm nhưng đến 11h còn 175 mã tăng/175 mã giảm. Chốt phiên sáng, sàn HoSE có 170 mã tăng/176 mã giảm.
Thống kê cũng cho thấy khoảng 35% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay đã tụt giá tối thiểu 1% so với mức đỉnh và chưa tới 8% (28 mã) còn giữ được giá cao nhất ở trên tham chiếu. Dĩ nhiên với độ rộng vẫn còn cân bằng, thị trường chưa xuất hiện lực bán quá mạnh, hầu hết mới chọn cách chốt lời ở vùng giá xanh. Ngoài ra trong số 176 cổ phiếu đỏ của VN-Index, mới có 48 mã giảm quá 1%, tập trung 13,7% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Phía tăng cũng còn có 52 cổ phiếu tăng trên 1%, tập trung 34,2% tổng thanh khoản.
Tổng giao dịch hai sàn niêm yết tăng gần 5% về giá trị khớp lệnh so với sáng hôm qua, đạt 6.410 tỷ đồng, cao nhất 5 phiên. Sàn HoSE tăng xấp xỉ 4% với 5.981,5 tỷ đồng. Với đại đa số cổ phiếu đang tụt giá dần xuống thì mức gia tăng thanh khoản này là tín hiệu của áp lực chốt lời, dù chưa thể tạo ra biến động lớn. Điều này cũng phù hợp với mức thanh khoản ở những phiên tạo đáy ngắn hạn vừa qua đều rất nhỏ.
Hiện tượng suy yếu của các cổ phiếu trụ cũng chưa khiến VN-Index trở nên tiêu cực, nhất là khi vẫn còn một số trụ giữ nhịp. Do đó thị trường vẫn giao dịch trong trạng thái bình thường. Dù vậy thanh khoản của nhóm VN30 đang là tín hiệu cảnh báo khi nhóm này bất ngờ giảm tới 18% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 2.588 tỷ đồng. Một phần nguyên nhân là nhóm ngân hàng giao dịch suy yếu rất nhanh cả về thanh khoản lẫn giá. Toàn bộ cổ phiếu nhóm này trên HoSE hiện chỉ chiếm 18,2% tổng thanh khoản, giảm đáng kể so với tỷ trọng 23,2% hôm qua. Cả rổ cũng chỉ còn 12/27 mã đang xanh với HDB là blue-chips duy nhất đáng kể, tăng 1,04%.
Tín hiệu gia tăng sức ép từ bên bán là điều hoàn toàn bình thường vì diễn biến các phiên gần đây đem lại lợi nhuận khá cao trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư lướt sóng bắt đáy là chính, dẫn đến thanh khoản nhỏ, nhưng nhóm này cũng sẵn sàng hiện thực hóa lợi nhuận nhanh. Quá trình tích lũy cổ phiếu của các nhà đầu tư lớn chưa thể hoàn tất khi mức giao dịch trung bình từ đầu tuần đến nay đều nhỏ hơn đáng kể so với bình quân.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay xuất hiện giao dịch bán ròng thỏa thuận lớn ở VRE trị giá tới 312,5 tỷ đồng, dẫn đến tổng vị thế bán ròng là -498,5 tỷ đồng trên sàn này. Tuy nhiên nếu loại trừ VRE, không có nhiều cổ phiếu bị bán đáng chú ý. MWG lớn nhất sau VRE, với -71,3 tỷ đồng, VHM -27,2 tỷ. Bên mua cũng không có mã nào đáng kể, TCM, BID, VOS là 4 cổ phiếu duy nhất bị bán quanh ngưỡng 10 tỷ đồng ròng.