15:37 06/06/2024

Chốt lời tiếp tục, thị trường trượt dốc, khối ngoại quay lại bán ròng mạnh

Kim Phong

Một đợt xả mạnh trong phiên chiều nay đã đẩy VN-Index lao dốc xuống dưới tham chiếu và đưa thanh khoản sàn HoSE tăng tới hơn 60% so với phiên sáng. Khối ngoại cũng bán ròng gấp đôi buổi sáng, tập trung vào cổ phiếu rổ VN30. Thị trường một lần nữa hụt hơi không thể đột phá đỉnh...

VN-Index trượt dài trong phiên chiều dưới sức ép chốt lời.
VN-Index trượt dài trong phiên chiều dưới sức ép chốt lời.

Một đợt xả mạnh trong phiên chiều nay đã đẩy VN-Index lao dốc xuống dưới tham chiếu và đưa thanh khoản sàn HoSE tăng tới hơn 60% so với phiên sáng. Khối ngoại cũng bán ròng gấp đôi buổi sáng, tập trung vào cổ phiếu rổ VN30. Thị trường một lần nữa hụt hơi không thể đột phá đỉnh.

Đà giảm được chặn lại trong đợt ATC và VN-Index đóng cửa chỉ còn mất 0,79 điểm, nhưng diễn biến lao dốc chiều nay có biên độ tối đa tới gần 13 điểm tương đương 1%. Đây là nhịp xả không hề nhẹ, nhất là khi thanh khoản cũng tăng vọt.

Trước khi lao dốc, thị trường vẫn có thêm một nhịp tăng nữa. VN-Index đạt đỉnh lúc 1h36, tăng 0,6% so với tham chiếu, đạt 1.292,02 điểm, tức là xấp xỉ đỉnh cao của phiên hôm qua. Điều này khiến nhịp xả sau đó tái diễn kiểu giao dịch của phiên trước khi nhà đầu tư chờ đợi thời điểm thị trường tốt nhất để xả hàng.

Tính chung hai sàn niêm yết chiều nay thanh khoản đạt 12.931 tỷ đồng, tăng gần 9% so với chiều hôm qua. Đây thậm chí là phiên chiều có thanh khoản lớn nhất trong 5 ngày qua.

Điểm tích cực là lực bán vẫn chủ động chọn vùng giá cao và không ép quá nhiều. Thêm nữa, dao động tăng cũng kích thích được cầu bắt đáy xuất hiện. Đợt ATC đã có cầu đỡ ở nhiều blue-chips, dẫn đến VN-Index bớt xấu về điểm số. Nhóm ngân hàng nổi lên một số mã khá mạnh như STB tăng 3,72%, TCB tăng 1,05%, SHB tăng 2,6%, TPB tăng 1,39%, LPB tăng 1,36%. Tuy nhiên trong số này chỉ duy nhất TCB thuộc nhóm 10 mã vốn hóa lớn nhất. Trong nhóm VN30, 8/13 mã ngân hàng tăng giá, không mã nào giảm. Đây cũng là lý do giúp VN30-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,2% so với tham chiếu.

Nhóm thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay chịu sức ép mạnh buổi chiều.
Nhóm thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay chịu sức ép mạnh buổi chiều.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tận dụng tốt tình thế cân bằng của chỉ số. Độ rộng VN-Index lúc đóng cửa không xấu, với 200 mã tăng/224 mã giảm, trong đó 75 mã tăng hơn 1%, không kém nhiều so với phiên sáng, nhưng thanh khoản chỉ chiếm khoảng 26% giá trị sàn (phiên sáng chiếm 30,5%). Dù vậy ngay cả ở nhóm cổ phiếu mạnh nhất về giá, thu hút dòng tiền tốt nhất này thì ảnh hưởng của nhịp xả chiều nay vẫn rõ nét. Ví dụ STB khớp nhiều nhất thị trường với gần 960 tỷ đồng, giá đóng cửa vẫn tăng 3,72% nhưng thực chất là đã phải trả lại khoảng 1,29% so với mức đỉnh. SHB cũng vậy, đã mất gần một nửa biên độ tăng trong ngày. HSG tụt khoảng 2,08% so với đỉnh, còn tăng 1,51% so với tham chiếu. HHV tụt khoảng 2,16%, còn tăng 1,87% so với htam chiếu…

Dấu vết của sức ép chốt lời cũng khá rõ ở rất nhiều cổ phiếu khác. Độ rộng của VN-Index lúc đóng cửa khá cân bằng với 200 mã tăng/224 mã giảm nhưng tới 58% số mã có giao dịch đã điều chỉnh từ 1% trở lên so với giá đỉnh trong ngày. Gần 100 mã trượt giảm đủ mạnh để rơi qua tham chiếu. Các cổ phiếu chịu sức ép tiêu biểu là HVN giảm 4,12% thanh khoản 198,2 tỷ đồng; NLG giảm 3,08% giao dịch 140,6 tỷ; BCG giảm 2,22% với 106,8 tỷ; VNM giảm 1,9% với 332,1 tỷ; DGC giảm 1,71% với 661,3 tỷ; HCM giảm 1,54% với 212,3 tỷ; KDH giảm 1,48% với 167,4 tỷ; POW giảm 1,45% với 219,3 tỷ…

Khối ngoại chiều nay cũng tăng áp lực đáng kể, bán thêm 1.303,7 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE và mức ròng khoảng -505,3 tỷ. Phiên sáng khối này bán ròng 235,8 tỷ đồng. Ngoài ra UpCOM và HNX bị bán ròng khoảng 61 tỷ đồng. Như vậy hôm nay nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại xu hướng rút vốn mạnh trước đó, vốn tạm ngưng từ đầu tuần này.

Lực xả tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu rổ VN30, với mức ròng đạt 756,3 tỷ đồng cả ngày, tức là còn lớn hơn cả vị thế tổng hợp. Các cổ phiếu bị bán rất mạnh là FPT -223,8 tỷ, TCB -115,9 tỷ, MWG -91,8 tỷ, VNM -72, tỷ, VPB -67,8 tỷ, HPG -54,7 tỷ, KDH -54,2 tỷ, VHM -42 tỷ, VIC -36,6 tỷ, VRE -34,4 tỷ, STB -32,1 tỷ… Bên mua có MSN +64,7 tỷ và PNJ +42,9 tỷ là đáng kể.