14:59 07/10/2021

Chủ tịch PNJ: Văn hóa doanh nghiệp không “nằm” trên giấy mà ở chính người lao động  

Phúc Minh

“Từng trải qua những khủng hoảng “ngàn cân treo sợi tóc”, thậm chí công ty có thể bị mất đi, nhưng chính văn hóa doanh nghiệp đã giúp gắn kết để PNJ vực dậy được và lớn mạnh hơn…

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ.

Chia sẻ tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021: “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sáng 7/10, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ, thành viên Hội đồng quản trị Mạng lưới Doanh nghiệp Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE), Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD), đã nhấn mạnh như vậy khi nói về vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức.

Dẫn thực tế từ chính tại PNJ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra, theo bà Dung doanh nghiệp đã xác định chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động và gia đình họ là vấn đề quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, PNJ xác định đảm bảo được điều này và niềm tin cho người lao động là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Trong khủng hoảng Covid-19, ở một số thời điểm PNJ có đến 85 – 90% cửa hàng phải đóng cửa, song vẫn đảm bảo 100% thu nhập cho người lao động, thậm chí doanh nghiệp cũng đã tạm ứng 50% lương tháng 13 vì thấu hiểu đây là thời điểm người lao động cần tiền hơn bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh đó, về vấn đề sức khỏe, PNJ đã thành lập nhóm ứng phó với dịch Covid-19 để chăm lo người lao động và gia đình họ, không để bất kỳ nhân viên nào lúng túng khi có người thân bị nhiễm bệnh.

Lãnh đạo PNJ cho rằng, doanh nghiệp có 3 nguồn vốn đó là tài chính, nguồn vốn con người và nguồn vốn từ xã hội. Nhưng hầu như phần lớn chúng ta mới chỉ nhìn đến nguồn vốn về tài chính mà ít nhìn đến hai nguồn vốn còn lại.

Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi sau những khủng hoảng của dịch Covid-19, với rất nhiều bài học, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cái nhìn trọn vẹn hơn đến nguồn nhân lực, bởi lẽ chính nguồn lực này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo bà Dung, với riêng PNJ do đã xây dựng được một nền văn hóa lấy con người làm trọng tâm, đến nay doanh nghiệp này đã tạo được một tập thể gắn kết trên nền tảng giá trị của niềm tin. “Với chúng tôi, văn hóa doanh nghiệp không phải nằm trên giấy mà những giá trị đó ở chính trong từng người lao động, đó cũng là cách tốt nhất mà chúng tôi bảo toàn nguồn lao động, để họ tin rằng dù trong hoàn cảnh nào doanh nghiệp cũng chính là nhà của mình”, bà Dung cho biết.  

Chủ tịch PNJ cũng khẳng định, khi giá trị văn hóa doanh nghiệp nằm trong từng con người điều đó sẽ gắn kết thành tổ chức lớn mạnh và tạo thành nguồn vốn bền vững.

“Bản thân chúng tôi đã từng trải qua những khủng hoảng “ngàn cân treo sợi tóc”, thậm chí công ty có thể bị mất đi, nhưng chính văn hóa doanh nghiệp và sự gắn kết đã giúp chúng tôi vực dậy được và vượt qua khủng hoảng. Thậm chí, doanh nghiệp còn lớn mạnh hơn sau những lần như vậy, nhất là sau khi Covid-19 xảy ra”, bà Dung nhấn mạnh.