10:14 07/10/2021

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19

Phúc Minh

Đại dịch Covid-19 tiếp tục có tác động đáng kể đến nhân viên làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam như: giảm việc làm, thu nhập, sức khỏe tinh thần và thể chất đều kém hơn. Trong đó, hầu hết các tác động đều tồi tệ hơn đối với nhân viên ngành dịch vụ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021 với chủ đề  “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững” được tổ chức vào 9 giờ ngày 7/10, theo hình thức kết hợp trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy, FanPage VBCWE, đã thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Một báo cáo cập nhật về tác động của Covidd-19 đối với nhân viên khu vực tư nhân Việt Nam đã được bà Kelly Wyett, chuyên gia kinh tế cao cấp, Abt Associates, Australia, công bố tại Diễn đàn.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 1

Báo cáo được tổng hợp và phân tích từ kết quả khảo sát 300 nhân viên nam và 300 nhân viên nữ tuổi từ 18 - 60 tại các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam do Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và Dự án Investing in Women (IW) thực hiện vào tháng 12/2020. Kết quả cho thấy, đại dịch đã ảnh hưởng đến mọi mặt của người lao động, bao gồm từ giảm việc làm, giảm thu nhập đến những tác động tiêu cực về sức khỏe thể chất và tinh thần sau khoảng thời gian sống chung với Covid-19.

LAO ĐỘNG TRẺ, ÍT KINH NGHIỆM BỊ ẢNH HƯỞNG THU NHẬP NHIỀU HƠN

Kết quả khảo sát cho thấy, người lao động có thu nhập thấp hơn, ít thâm niên và trẻ hơn vẫn có nhiều khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực đến giờ làm và thu nhập.  68% người lao động có thu nhập thấp nhất bị giảm thu nhập so với 51% người có thu nhập cao. Đối với người lao động trẻ từ 18–24 tuổi có nhiều khả năng có thu nhập thấp hơn (67%) so với thu nhập của chính họ trước đại dịch, so với 48% ở người lao động trong độ tuổi 45–60.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 2

Xét theo nhóm ngành, người lao động trong các ngành sản xuất và dịch vụ cũng nhiều khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm hơn so với trong các ngành khai thác (nông lâm thủy hải sản và mỏ …). Thậm chí, giữa các lĩnh vực trong ngành dịch vụ cũng có sự khác biệt lớn. Chẳng hạn, nhân viên khách sạn và nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 68% vẫn báo cáo tác động chịu tiêu cực vào thời điểm tháng 12/2020, tỷ lệ này ở lao động trong khu vực kinh tế nhà nước là 64%.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 3

Không chỉ giảm việc làm và thu nhập, đại dịch tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, và đây là lĩnh vực ưu tiên mà người sử dụng lao động cần giải quyết để đảm bảo các chính sách và thực hành của công ty sẽ hỗ trợ cho người lao động của họ.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 4

Kết quả khảo sát vào tháng 12/2020 cho thấy, sức khỏe tinh thần đã trở nên xấu hơn và vẫn là một thách thức đối với 55% người lao động, sức khỏe thể chất cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn và hiện được báo cáo là mối quan tâm của 41% người lao động.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 5

"Sự lo lắng về tình hình Covid-19 vẫn là lý do hàng đầu gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người lao động, theo sau đó là mối lo ngại về tài chính. Các lý do liên quan đến cân bằng giữa công việc và gia đình, chăm sóc gia đình và những căng thẳng trong gia đình đã gia tăng và là nguồn gốc gây ra bất an về tinh thần khi đại dịch vẫn tiếp tục", bà Kelly Wyett, chuyên gia kinh tế cao cấp, Abt Associates, Australia, lưu ý.

Sức khỏe tâm thần của người lao động có thu nhập thấp đã trở nên xấu đi, nhưng đã ổn định hơn đối với người lao động có thu nhập trung bình và cao. Điều này có thể phản ánh thực tế là những người lao động có thu nhập thấp hơn thường có ít dự trữ tài chính hơn để có thể chịu đựng được một thời gian dài bị giảm thu nhập.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 6

Tình trạng kiệt sức do gánh nặng gia đình tăng lên đối với 39% phụ nữ và 45% nam giới, và không có thời gian tập thể dục đối với 37% nam giới và 28% phụ nữ, được cho là những nguyên nhân cao nhất gây tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất.

Những người lao động trong ngành dịch vụ có sức khỏe tinh thần (60%) và sức khỏe thể chất (49%) kém hơn so với những người lao động trong các ngành khác. Điều này có thể phản ánh thực tế là những lao động này có nhiều khả năng gặp phải những thay đổi tiêu cực về giờ làm và thu nhập, cũng như bị gián đoạn đối với nơi làm việc thông thường của họ.

CÂN NHẮC LÀM VIỆC ÍT HƠN

Đối với vấn đề năng suất lao động, 18% người lao động cho biết năng suất lao động thấp hơn so với tình hình trước đại dịch, lo lắng về tình hình Covid-19 vẫn là lý do chính, tỷ lệ này ở nam giới là 74% và ở phụ nữ là 69%. Năng suất lao động của 1/3 phụ nữ bị ảnh hưởng là bởi cả trách nhiệm gia đình và trách nhiệm chăm sóc. Đối với nam giới, chưa đến 1/3 cho biết năng suất của họ bị ảnh hưởng bởi các trách nhiệm gia đình.

Một phát hiện khác của khảo sát là có đến 63% người lao động đang cân nhắc làm việc ít hơn do hậu quả của đại dịch, bao gồm giảm giờ làm, nghỉ phép hoặc ngừng việc. Nhìn chung, 2/3 số người lao động đang cân nhắc làm việc ít hơn, trong đó nam giới có xu hướng làm việc nhiều hơn một chút (69%) so với nữ giới (57%) trong bối cảnh này.

Ngược lại, dữ liệu từ nhiều quốc gia khác cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng nghỉ việc cao hơn nam giới để đảm nhận các trách nhiệm gia đình gia tăng do Covid-19. Những người đang trải qua các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần có nhiều khả năng cân nhắc làm việc ít hơn.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 7

Có đến 3/4 (77%) người lao động có sức khỏe tinh thần tiêu cực và 84% bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất đang cân nhắc làm việc ít hơn, đặc biệt là giảm giờ làm, nghỉ phép hoặc làm một công việc ít áp lực hơn. 64% người lao động đã đảm nhận trách nhiệm chăm sóc và các trách nhiệm khác trong gia đình có xu hướng cân nhắc làm việc ít hơn. Tỷ lệ này ở phụ nữ có xu hướng tăng cao hơn một chút so với nam giới.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ lại có xu hướng cân nhắc làm việc ít hơn thường cao hơn (68%), đặc biệt là những người lao động trong nhà hàng, khách sạn, vì những lao động này có nhiều khả năng gặp phải những thay đổi tiêu cực về giờ làm và thu nhập của họ, cũng như tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ. Điều này trái ngược với công nhân sản xuất và công nhân trong các ngành khai thác vì những lao động này đang cân nhắc làm việc ít hơn.

Mặc dù gây ra những tác động đáng kể đến việc làm của người lao động, song đa số người lao động cho biết Covid-19 cũng đã mang lại những thay đổi tích cực cho công việc của họ và tin rằng những thay đổi này sẽ còn tồn tại.

Lao động ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi dịch Covid-19  - Ảnh 8

Có 61% phụ nữ và 55% nam giới cho biết đã được sắp xếp công việc linh hoạt và đây là thay đổi tích cực phổ biến nhất. Những thay đổi phổ biến khác là có chế độ nghỉ phép có lương, tiếp cận với thiết bị bảo hộ cá nhân và hỗ trợ kỹ thuật để làm việc tại nhà.

Cả lao động nam và nữ đều tăng đáng kể khả năng tiếp cận với tất cả các hình thức hỗ trợ của người sử dụng lao động. Các hình thức hỗ trợ phổ biến nhất mà người sử dụng lao động cung cấp cho người lao động là sắp xếp công việc linh hoạt và trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người sử dụng lao động không đưa ra các hình thức hỗ trợ phổ biến.

Ví dụ, chỉ có 26% doanh nghiệp áp dụng chế độ nghỉ phép vẫn hưởng đủ lương, 31% áp dụng nghỉ phép hưởng một phần lương và 21% hỗ trợ kỹ thuật để làm việc tại nhà. Mức độ chấp nhận của người lao động đối với các loại hình hỗ trợ của người sử dụng lao động là rất cao, với 77% lao động nữ và 70% lao động nam trong các doanh nghiệp có chính sách sắp xếp công việc linh hoạt đã lựa chọn tiếp cận dịch vụ hỗ trợ này.

Sắp xếp công việc linh hoạt cũng là hình thức hỗ trợ phổ biến nhất dành cho nhân viên dịch vụ, đặc biệt là nhân viên, chuyên viên dịch vụ chuyên nghiệp và công chức, viên chức vì hầu hết những người lao động này có thể làm việc tại nhà hoặc làm việc theo giờ làm không theo tiêu chuẩn.

Lao động trong ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn do dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 
Lao động trong ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng tồi tệ hơn do dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 

Trong một số trường hợp, người lao động có thể không biết rằng các doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ phổ biến vì các doanh nghiệp không chủ động, tích cực truyền thông về các chính sách này. Ví dụ, chỉ 54% doanh nghiệp có chính sách sắp xếp công việc linh hoạt và 41% doanh nghiệp có chính sách nghỉ phép vẫn được hưởng lương đã thông báo những chính sách này cho người lao động.

Từ những thực tế trên, báo cáo khuyến nghị những cách để người sử dụng lao động có thể hỗ trợ nhân viên tốt nhất, đó là tiếp tục cung cấp những hỗ trợ có chủ đích, bao gồm: sắp xếp công việc linh hoạt, nghỉ phép được hưởng nguyên lương hoặc một phần lương, hỗ trợ kỹ thuật để làm việc tại nhà, các dịch vụ liên quan đến sức khỏe tinh thần và căng thẳng, đào tạo việc làm và tái đào tạo kỹ năng.

"Doanh nghiệp cũng có thể trao đổi với nhân viên về những hỗ trợ được cung cấp và giải đáp những lo lắng của người lao động về tương lai của doanh nghiệp và khả năng đảm bảo việc làm của họ", bà Kelly Wyett, chuyên gia kinh tế cao cấp, Abt Associates, Australia, nêu quan điểm.