09:58 17/02/2025

Chú trọng mô hình TOD trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị

Minh Kiệt

Hiện nay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 tuyến đường sắt đô thị nhưng xây dựng phát triển mô hình TOD song hành dẫn tới thiếu sự kết nối giữa các phương tiện giao thông, khiến tình trạng tắc đường vẫn chưa thể giải quyết triệt để…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chiều 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội, các đại biểu thảo luận về những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, các đại biểu đều đồng tình với việc cần thiết phải ban hành cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai các dự án đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn. Với thực trạng triển khai các tuyến đường sắt đô thị như hiện nay sẽ không có đủ thời gian để kịp với mục tiêu đã đề ra. Không những thế, việc thiếu các cơ chế, chính sách khiến các dự án đường sắt đô thị không thể phát huy hết tác dụng.

BIẾN CÁC NHÀ GA THÀNH MỘT ĐIỂM TOD

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có 3 tuyến đường sắt đô thị nhưng chưa quan tâm đến phát triển mô hình TOD (Transit-Oriented Development). Điều đó đồng nghĩa với việc thiếu sự quan tâm đến các vị trí nhà ga, quỹ đất hay các vấn đề ổn định cho đời sống người dân.

Quang cảnh nghị trường phiên làm việc chiều ngày 15/2.
Quang cảnh nghị trường phiên làm việc chiều ngày 15/2.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong điều kiện khu vực đô thị đã có, do đó khi phát triển mạng lưới phải tiến hành song song với việc chỉnh trang đô thị.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng với phần lớn ga ngầm trong khu vực nội đô không thuộc khu vực phải bảo tồn nên cần phải trở thành một điểm trung tâm kết nối các phương tiện công cộng để giải quyết đồng thời nhu cầu vận tải hành khách lẫn cải tạo, chỉnh trang đô thị, đồng thời tạo nguồn lực đường sắt.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) chỉ ra rằng thực tế hiện nay, tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - ga Hà Nội chưa kết nối nội bộ trong hệ thống mà thông qua hệ thống xe bus, dừng lại ở nhiều trạm giữa ga Cát Linh và ga Cầu Giấy, làm tăng thời gian và chi phí đi lại của người dân.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết thông thường để vận chuyển hành khách trong hệ thống thì các quốc gia khác sử dụng dạng xe bus con thoi, thường chỉ đi lại giữa 2 điểm, hành khách không phải thanh toán thêm hay bị kiểm soát gì khi lên xuống dạng xe bus này.

Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị cần sớm bổ sung một số xe bus con thoi để đi lại giữa ga Cầu Giấy của tuyến Nhổn - ga Hà Nội và ga Cát Linh của tuyến Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, khi khách xuống tàu, có thể đi thẳng đến xe bus mà không cần ra khỏi ga để đón xe bus. Bên cạnh đó, xe bus cũng không dừng lại nhận khách hay trả khách ở các tuyến dọc đường như hiện nay.

ĐẨY MẠNH PHÂN QUYỀN CHO ĐỊA PHƯƠNG, RÚT NGẮN THỜI GIAN PHÊ DUYỆT 

Bên cạnh phát triển mô hình TOD thì một trong số những điểm nghẽn khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ liên quan đến những quy định về pháp luật. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, trong Luật Đầu tư công có quy định các dự án thông thường phải lập báo cáo tiền khả thi nhằm xác định sơ bộ sự cần thiết, quy mô hướng tuyến, tính toán nguồn vốn, thời gian thực hiện, sau đó mới lập báo cáo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật thi công, triển khai đấu thầu.

Từ thực tiễn triển khai, có thể thấy thường mất từ 3-5 năm cho công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, thậm chí có dự án mất tới hơn 5 năm. Trình tự khởi công một dự án theo đúng quy trình cũng có khi mất tới 6-7 năm.

Vì vậy, nếu thành phố phải thực hiện đúng quy định về thủ tục, các tuyến đường sắt đô thị sẽ không thể kịp thời về thời gian, yêu cầu, trong khi nhu cầu xây dựng là cần thiết, các dự án cũng đủ điều kiện xác định quy mô, hướng tuyến, khả năng cân đối.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian sẽ giảm từ 3-5 năm, rút ngắn trình tự phê duyệt theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm. Ngoài ra, khi các thành phố chỉ định thầu sẽ giúp rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư từ 18-25 tháng.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) thống nhất với sự cần thiết phải khẩn trương ban hành Nghị Quyết của Quốc hội về vấn đề này, nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc về thể chế đã được nhận diện trong thực tiễn tại Thành phố Hà Nội và Thành phố khi Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.

“Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được xem xét thông qua lần này sẽ đáp ứng được kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần của Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng,” ông Thường nói.

Thực tế đã có một số công trình giao thông được triển khai trong thời gian vừa qua được Quốc hội cho phép thực hiện theo phương thức chỉ định thầu với yêu cầu tiết kiệm 5% so với dự toán và đã phát huy hiệu quả