Chưa hết lo lắng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào cổ phiếu Trung Quốc
Trong 9 ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 64 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 9,5 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc, gần bằng mức mua ròng cả năm 2022...
Theo Nikkei Asia, năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu trở lại mua cổ phiếu Trung Quốc trong bối cảnh đợt phục hồi kéo dài cả tuần của thị trường chứng khoán nước này đã khiến các nhà quản lý quỹ phải rút khỏi vị thế bán.
Trong 9 ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, khối ngoại đã mua ròng 64 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 9,5 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc thông qua liên kết giao dịch giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Trong khi đó, lượng tiền mua ròng của cả năm 2022 là 90 tỷ Nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Theo các nhà phân tích, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn quan ngại về triển vọng của Trung Quốc nhưng đang thay đổi động thái do đợt tăng giá bắt đầu từ đầu tháng 11/2022. Một số nhà đầu tư đang đóng vị thế bán khống - vị thế tin rằng giá cổ phiếu sẽ giảm. Một số khác bắt đầu thay đổi từ vị thế “giảm tỷ trọng” (underweight).
“Tôi sẽ không nói rằng tâm lý nhà đầu tư hoặc vị thế của họ đã trở lại trung lập”, bà Jian Shi Cortesi, nhà quản lý quỹ có đầu tư vào Trung Quốc tại tại GAM Investment, có trụ sở tại Zurich, nói. “Tâm lý giảm tỷ trọng tại Trung Quốc vẫn còn khá lớn, nhưng khi Trung Quốc bắt đầu phục hồi mà bạn vẫn còn ở vị thế giảm tỷ trọng thì bạn sẽ chịu thiệt”.
Trong một báo cáo ngày 9/1, các nhà phân tích của Goldman Sachs nói rằng phân bổ đầu tư tại Trung Quốc cuả các quỹ tương hỗ toàn cầu có tài sản 800 tỷ USD trở lên hiện ở mức thấp hơn các chuẩn của họ khoảng 410 điểm cơ bản.
Sự bi quan về thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng lên đỉnh điểm vào khoảng tháng 10 năm ngoái. Trước đó, vào tháng 9, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư ngoại tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới 4% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán, theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Nhưng không lâu sau đó, tâm lý nhà đầu tư được đẩy lên cao nhờ sự thay đổi đột ngột trong chính sách phòng chống dịch Zero Covid của Chính phủ Trung Quốc vào đầu tháng 12. Sự thay đổi này gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư, những người mong đợi nền kinh tế lớn thứ hai sẽ mở cửa trở lại suốt nhiều tháng trước đó. Các nhà đầu tư cũng đã được thúc đẩy mua vào bởi các dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chấm dứt chiến dịch siết kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ trong nước.
Chỉ số CSI 300 - gồm 300 cổ phiếu hạng A giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến - đã tăng 16% kể từ mức thấp nhất 3.541,33 điểm của năm 2022 (ghi nhận vào tháng 10). Trong cả năm 2022, chỉ số này đã giảm gần 40%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông đã tăng khoảng 48%, sau khi giảm 58% trong giai đoạn từ tháng 10/2021-10/2022.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện dấu “tan băng” trên thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông - sàn niêm yết phổ biến của các công ty công nghệ Trung Quốc. Kể từ cuối tháng 12, 4 trong số 6 đợt IPO của các công ty Trung Quốc đại lục ở Hồng Kông đã được đăng ký mua vượt mức. Đây là điều hiếm thấy trong năm 2022.
Tại một hội thảo trực tuyến tuần trước, ông Robert Buckland, giám đốc chiến lược về vốn đầu tư cổ phần toàn cầu tại Citi Investment Research, cho biết cách khách hàng ủa ông đã bớt lo lắng về việc Trung Quốc trở thành một thị trường “không thể đầu tư”.
“Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc có vẻ như không phải là đảo chiều chính sách Covid theo hình chữ U mà là theo hình chữ V”, ông Buckland nói về sự thay đổi đột ngột chiến lược Zero Covid của Bắc Kinh.
Trong khi đó, ông Nicholas Yeo, giám đốc đầu tư cổ phiếu Trung Quốc tại Abrdn, người có quan điểm lạc quan về thị trường Trung Quốc, cho biết nhà đầu tư vẫn còn nhiều hoài nghi về chứng khoán Trung Quốc, bao gồm những tác động của Covid. Nói về một chuyến công tác châu Âu gần đây của mình, ông cho biết các nhà đầu tư bị mất tiền vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga do cuộc chiến ở Ukraine cũng đang quan ngại về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow.
Còn ông Hugues Rialan, giám đốc đầu tư và trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư châu Á tại Pictet Wealth Management, cho biết công ty của ông sẽ không tăng đầu tư vào Trung Quốc dù ông dự báo thị trường này có thể mang lại lợi nhuận tốt nhất trong số các thị trường chứng khoán lớn trong năm 2023. Ông dự báo các nhà đầu tư dài hạn đang dần trở lại thị trường Trung Quốc.
"Thật sai lầm khi đánh đồng sự phục hồi nhanh chóng của thị trường chứng khoán với tốc độ phục hồi của nền kinh tế".
Chris Leung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại DBS Bank
Cùng chung quan điểm thận trọng, ông Chris Leung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại DBS bank, nhận định con đường phục hồi của Trung Quốc vẫn còn nhiều bất định, bao gồm khả năng hành vi chi tiêu của người tiêu dùng sẽ thay đổi theo hướng có thể khiến giá cổ phiếu giảm.
Một báo cáo nghiên cứu công bố tuần trước của ngân hàng ANZ đánh giá việc mở cửa trở lại của Trung Quốc ít có khả năng thúc đẩy chi tiêu tiết tiết kiệm nhiều hơn ở những người tiêu dùng không thích rủi ro hay những người đã chịu thiệt hại do khủng hoảng bất động sản. Trong năm 2022, tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc tăng thêm 7 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Sau khi Trung Quốc gõ bỏ quy định cách ly với người nhập cảnh, khách du lịch Trung Quốc đã không đổ đến Hong Kong - một điểm đến mua sắm nổi tiếng - như dự báo. Lượng người đi từ Hồng Kông đến đại lục nhiều hơn so với chiều người lại. Theo dữ liệu nhập cư của Hồng Kông, hơn 32.000 người đã rời khỏi thành phố này tới Trung Quốc đại lục khi biên giới mở cửa trở lại vào ngày 8/1.
“Thật sai lầm khi đánh đồng sự phục hồi nhanh chóng của thị trường chứng khoán với tốc độ phục hồi của nền kinh tế”, ông Leung nói.