11:26 18/12/2022

Chưa thi công, nhà thầu cầm chắc lỗ 40% bởi nhiều đơn giá đầu vào áp dụng từ thời Liên Xô

Ánh Tuyết

Có nhà thầu vừa bắt đầu triển khai gói thầu thi công đường cao tốc, khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế đã cầm chắc lỗ đến 40%. Trong đó, một trong những vướng mắc lớn là vấn đề đơn giá, định mức lạc hậu, thậm chí có có những đơn giá đầu vào vẫn áp dụng từ thời Liên Xô cũ...

Hiện khó khăn, vướng mắc lớn với các nhà thầu, đó là vấn đề đơn giá, định mức lạc hậu.
Hiện khó khăn, vướng mắc lớn với các nhà thầu, đó là vấn đề đơn giá, định mức lạc hậu.

Đánh giá về nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, chia sẻ tại hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho hay từ đầu năm 2022 và tiếp đến cả năm 2023, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế, quyết tâm rất cao của Chính phủ thể hiện rất rõ là nguồn vốn luôn sẵn sàng, đồng thời luôn đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Mặc dù vậy, kế hoạch giải ngân đầu tư công của chúng ta vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Dẫn chứng số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tính đến 30/11, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 338 nghìn tỷ chỉ đạt 58,33% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch được chuẩn bị là 550 nghìn tỷ, ông Hiệp bày tỏ sự băn khoăn.

"Đây thật sự là một vấn đề đáng ngạc nhiên, bởi có tiền mà không tiêu được?", ông Hiệp nêu rõ.

Chỉ rõ hai nguyên nhân gây nên ách tắc giải ngân, Chủ tịch VACC, cho rằng thứ nhất, thủ tục đầu tư và thanh quyết toán của các dự án còn có một số vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ.

Cụ thể, các cơ chế thủ tục đầu tư đã được cải thiện khá nhiều mặc dù đây đó vẫn còn những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, thủ tục đầu tư…

Tuy nhiên, "hiện việc chuẩn bị hồ sơ dự án như khảo sát, thiết kế dự toán … còn sơ sài chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng nên đang là một khó khăn cho việc triển khai. Từ chỗ hồ sơ khảo sát thiết kế chuẩn bị dự án còn sai lệch nên trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có thay đổi, phát sinh", ông Hiệp phân tích. Do có những phát sinh nên thủ tục thanh toán trở lên phức tạp, mất thời gian, các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư đều ngần ngại xử lý.

Do đó, "cần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh hơn nữa khâu chuẩn bị dự án và có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư trong việc ký thanh toán và xử lý phát sinh để tạo điều kiện cho các nhà thầu", Chủ tịch VACC đề nghị.

Chủ tịch VACC phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023. 
Chủ tịch VACC phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023. 

Thứ hai, liên quan trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng – đây là lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công, khi các nhà thầu thực hiện được khối lượng lớn tức giải ngân sẽ nhanh.

Tuy nhiên hiện các nhà thầu đang rất khó khăn, vướng mắc - đó là vấn đề đơn giá, định mức. "Nhiều yếu tố để tính giá ca máy như thời gian khấu hao, chi phí sửa chữa, lương thợ... đều áp dụng theo quy định từ thời kế hoạch bao cấp. Đơn giá ca máy thậm chí vẫn được áp dụng từ thời Liên Xô, vô cùng lạc hậu", Chủ tịch VACC giãi bày.

 

"Hệ thống đơn giá định mức của chúng ta đang áp dụng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập không phù hợp thực tế khiến các nhà thầu quá thua thiệt. Đối với các công tác đã có trong định mức của Bộ Xây Dựng nhưng khi áp dụng đơn giá đầu vào, nhân công, máy của địa phương để lập dự toán công trình thì quá thấp so với thực tế doanh nghiệp phải chi trả", Chủ tịch VACC nêu rõ bất cập.

Để minh chứng cho những khó khăn này, ông Hiệp đưa ra dẫn chứng như công tác đắp nền đường đơn giá là 16.000đ/m3 thực tế phải thuê khoán là 30.000đ/m3; hay công tác đắp cấp phối đá dăm theo định mức dự toán là 35.000đ/m3 giá thực tế thi công là 120.000đ/m3…

Đáng nói, một số công tác chưa có trong định mức, gồm: công tác lắp đặt cáp treo cầu dây văng, cầu dây võng, công tác gia công lắp đặt vòm cầu thếp, khoan cọc qua hang động casteur, rút cừ ngầm trong nước… Nguyên nhân do trước đây chúng ta còn lạc hậu trong công nghệ xây dựng nên chưa có các định mức này!

Từ việc thiếu hụt một số định mức, đơn giá, hay bất cập so với thực tế (do các địa phương công bố đơn giá) nên các nhà thầu đang rất khó khăn.

"Có nhà thầu như Vinaconex vừa bắt đầu triển khai gói thầu cao tốc Mai Sơn – Quế Lộ khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế phải triển khai đã thấy chắc sẽ phải lỗ khoảng 40% nhưng không làm thì không có việc cho cán bộ nhân viên", ông Hiệp nói.

Cùng với đó, hiện nay theo quy định chỉ định thầu – các gói thầu được chỉ định ở giai đoạn 2 đều phải tiết kiệm cắt giảm 5% so với dự toán gói thầu. Đây sẽ là một khó khăn nữa cho các nhà thầu trong việc tính toán chi phí vì bản thân các đơn giá định mức đã thấp và thiếu hụt như vậy nay lại tiết kiệm thêm 5% sẽ là khó chồng thêm khó.

Chính vì những lý do trên nên một số công ty xây dựng xác định là không tham gia nhận thầu các công trình vốn đầu tư công vì tâm lý e ngại này mặc dù công việc giờ cũng rất khó khăn.