07:36 28/07/2025

Chuẩn bị điều kiện cho vận hành, phát triển thị trường carbon

Nhĩ Anh

Việt Nam đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể vận hành thử nghiệm thị trường carbon từ cuối năm 2025 và tiến tới sẽ vận hành chính thức thị trường này vào năm 2029. Đến nay, Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Sàn giao dịch carbon trong nước cũng đang được Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ, dự kiến sẽ được ra mắt vận hành thử trong năm 2025...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến tổ chức và phát triển thị trường carbon. Từ quy định của Luật Bảo vệ môi trường (Điều 139), Chính phủ đã chi tiết hóa các quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Cùng với đó là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê; đề án phát triển thị trường carbon.

Để tiếp tục thể chế hóa các quy định pháp luật về tổ chức phát triển thị trường carbon, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, có hiệu lực từ 1/8/2025 nhằm giải quyết các vướng mắc, cập nhật các chính sách sửa đổi bổ sung, đặc biệt liên quan đến tổ chức và phát triển thị trường carbon. Nghị định đã đưa ra các quy định cơ chế tạo tín chỉ carbon trong nước, cũng như trao đổi quốc tế…

SẼ VẬN HÀNH CHÍNH THỨC THỊ TRƯỜNG CARBON TỪ NĂM 2029

Lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 06, được chi tiết hóa tại Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon và được pháp lý hóa tại Nghị định 119.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Thị trường carbon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trong giai đoạn đầu từ nay đến hết năm 2026, Việt Nam sẽ tập trung triển khai phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có lượng phát thải khí nhà kính lớn trong 3 ngành lĩnh vực chính gồm: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, xi măng với khoảng 150 cơ sở.

Trong giai đoạn sau sẽ xem xét mở rộng sang các cơ sở lĩnh vực khác thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nghị định 119 cũng điều chỉnh một số quy định nguyên tắc thị trường về nộp trả hạn ngạch, vay mượn, chuyển giao, bù trừ và trao đổi. Về vay mượn, các cơ sở có thể vay mượn tối đa 15% lượng ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho giai đoạn kế tiếp của chính cơ sở đó để thực hiện nộp trả.

Chuẩn bị điều kiện cho vận hành, phát triển thị trường carbon - Ảnh 1

“Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ đã tăng từ 10% lên 30% lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ của cơ sở, tạo thuận lợi cho các cơ sở trong giai đoạn đầu chưa thể chuyển đổi công nghệ có thể  mua tín chỉ carbon trên sàn giao dịch để bù trừ phát thải vượt quá hạn ngạch của mình. Toàn bộ các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch carbon trong nước”, ông Minh nêu rõ.

Ngoài cơ chế trao đổi tín chỉ carbon trong nước, Nghị định cũng quy định các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế. Theo đó, có 3 cơ chế chính gồm: cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon trong khuôn khổ công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (theo Điều 6.2), cơ chế theo Điều 6.4...

Các quy định liên quan đến cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon quốc tế, ở giai đoạn trước, trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, Việt Nam đã tham gia và có kinh nghiệm về cơ chế phát triển sạch; đồng thời hợp tác với Chính phủ Nhật Bản triển khai cơ chế JCM từ năm 2013 tới nay.

 
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Thị trường carbon, Cục Biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Thị trường carbon, Cục Biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn thí điểm đến hết năm 2028, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống kỹ thuật để có thể vận hành sàn giao dịch.
Hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì thiết lập sàn giao dịch carbon và dự kiến sẽ được ra mắt trong năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Theo ông Minh, kinh nghiệm triển khai cơ chế JCM là nền tảng để các quốc gia triển khai hợp tác song phương. Đây cũng là nền tảng để Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu thiết lập cơ chế 6.2- cơ chế hợp tác song phương.

Ông Minh cho biết ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn tới khi hợp tác với các đối tác hướng tới các dự án có vốn đầu tư lớn, chi phí thực hiện giảm phát thải khí nhà kính cao, công nghệ áp dụng cho các dự án là công nghệ mới, tiên tiến, chưa sẵn có ở Việt Nam.

Trong giai đoạn thí điểm đến hết năm 2028, cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống kỹ thuật để có thể vận hành sàn giao dịch. Hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì thiết lập sàn giao dịch carbon và dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2025.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bộ cũng đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan thiết lập hệ thống báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính, đo đạc báo cáo thẩm định giảm nhẹ trực tuyến để tạo thuận lợi cho các cơ sở có thể thực hiện báo cáo online.

Từ năm 2029, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon. Theo đó, hàng loạt các chính sách mới sẽ được cập nhật, bao gồm cả xem xét việc đấu giá hạn ngạch, tỷ lệ phân bổ hạn ngạch, mở rộng đối tượng xem xét phân bổ hạn ngạch, hoàn thiện các chính sách triển khai cơ chế tạo tín chỉ carbon trong nước…

Để góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam dự kiến sẽ áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đồng thời tổ chức sàn giao dịch thị trường giao dịch tập trung cho cả hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Theo chuyên gia, đây là cơ chế phổ biến trên thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Sàn giao dịch carbon là giải pháp mang tính thị trường để giải quyết các vấn đề môi trường.

TẠO NỀN KINH TẾ NET ZERO VÀO NĂM 2050

Chia sẻ việc thiết lập sàn giao dịch carbon trong nước, ông Trần Minh Giang, Phó phòng Pháp chế thị trường tài chính, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cho biết đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã chủ trì, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon Việt Nam. Trong Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước.

Đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trình Chính phủ xem xét ban hành. Dự kiến khi được ban hành, sàn giao dịch carbon sẽ là sàn giao dịch tập trung. Sàn sẽ tạo cơ chế xác định giá hiệu quả cho các doanh nghiệp tham gia thị trường; cung cấp cơ chế giao dịch minh bạch, công bằng, công khai, an toàn cho các chủ thể tham gia giao dịch.

 
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trình Chính phủ xem xét ban hành. Dự kiến khi được ban hành và hoạt động sẽ là sàn giao dịch tập trung cho cả hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Mục tiêu sàn sẽ tạo cơ chế tài chính, động lực kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp có hoạt động giảm phát thải, đầu tư công nghệ thân thiện môi trường, góp phần tạo ra nền kinh tế Net Zero vào năm 2050.

Nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt được đề ra từ quá trình xây dựng Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon cũng như xây dựng dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước đó là tổ chức một sàn giao dịch tập trung cho cả hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

“Mặc dù hai hàng hóa này không phải là các sản phẩm tài chính, chứng khoán nhưng định hướng sẽ gắn giao dịch của sàn giao dịch carbon với các đơn vị đã có kinh nghiệm vận hành thị trường chứng khoán. Phương pháp tiếp cận này sẽ tận dụng hạ tầng công nghệ, kinh nghiệm và nguồn nhân lực của các đơn vị đã vận hành thị trường chứng khoán; tiết kiệm; nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để sớm thí điểm vận hành sàn”, ông Giang lý giải.

Trên quan điểm này, sàn giao dịch carbon sẽ đáp ứng cho cả mô hình thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện. Việc áp dụng mô hình nào sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: các hàng hóa giao dịch và chủ thể tham gia trên thị trường.

Trong giai đoạn thí điểm, Bộ Tài chính dự kiến giao dịch sẽ là giao ngay và sẽ tiếp tục nghiên cứu sản phẩm giao dịch phái sinh để bổ sung tùy theo nhu cầu, quy mô thị trường.

Dự kiến, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ cung cấp dịch vụ giao dịch cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) sẽ cung cấp dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch.

Chuẩn bị điều kiện cho vận hành, phát triển thị trường carbon - Ảnh 2

Việc tổ chức giao dịch của sàn giao dịch carbon sẽ được thực hiện qua một số trung gian giao dịch, được xác định là các công ty chứng khoán đủ điều kiện, được Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và VSDC chấp thuận tham gia vào hệ thống giao dịch, thanh toán. Bên cạnh đó sẽ có thêm một số ngân hàng thương mại thực hiện chức năng thanh toán cho các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Theo phương pháp tiếp cận này, Nghị định sẽ là cơ sở để các đơn vị tổ chức vận hành thị trường và các trung gian hỗ trợ giao dịch, lưu ký, thanh toán trên thị trường chuẩn bị hạ tầng công nghệ, nhân lực thực hiện cung cấp dịch vụ cho thị trường.

Về phương thức giao dịch, dự kiến sẽ sử dụng mô hình yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch. Dự kiến phương thức giao dịch trên thị trường trong giai đoạn đầu thí điểm sẽ là giao dịch thỏa thuận trên nền tảng điện tử. Bộ Tài chính phân tích: quy mô thị trường dự kiến chưa lớn, thanh khoản chưa cao và hàng hóa trên thị trường giai đoạn đầu thiếu chuẩn hóa… nên phương thức khớp lệnh sẽ chưa phù hợp trong giai đoạn thí điểm. Trong tương lai, tùy theo quy mô thị trường sẽ nghiên cứu, giới thiệu thêm một số phương thức giao dịch mới như khớp lệnh.

Ông Giang nhấn mạnh mục tiêu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẽ sẵn sàng cho giao dịch khi hạn ngạch được phân bổ. Trong thời gian thí điểm (đến hết 31/12/2028), các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường sẽ không thu phí cung cấp dịch vụ giao dịch và lưu ký, nhằm hỗ trợ thị trường. Trong thời gian thí điểm sàn, Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về giá, thuế, phí, lệ phí, liên quan đến mua bán trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Để phát triển thị trường, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau giai đoạn thí điểm nghiên cứu, bổ sung thêm một số sản phẩm mới (như phái sinh), cơ chế giao dịch mới (khớp lệnh)…

CƠ HỘI TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN TÍN CHỈ CARBON TỪ CƠ CHẾ JCM

Tại Diễn đàn "Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia Cơ chế tín chỉ chung (JCM) hướng tới sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản vừa tổ chức, các chuyên gia cho biết theo quy định, tín chỉ carbon từ các dự án JCM sẽ được trao đổi trên sàn giao dịch carbon tại Việt Nam.

Chia sẻ về tạo tín chỉ carbon từ cơ chế JCM, ông Iino Satoru, Cục trưởng, Cơ quan Môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản nhấn mạnh, JCM là cơ chế song phương, trong đó các cơ quan của Nhật Bản phối hợp với các quốc gia trong đó có Việt Nam chia sẻ kết quả giảm phát thải. Cơ chế JCM mang lại nhiều lợi ích trong đó có đóng góp cho NDC và phát triển kinh tế xã hội bền vững các quốc gia, giảm chi phí, tạo ra các giá trị khác trong chuỗi cung ứng.

 
Ông Iino Satoru Cục trưởng, Cơ quan Môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản.
Ông Iino Satoru Cục trưởng, Cơ quan Môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản.
Các dự án tập trung vào các lĩnh vực mới có tiềm năng lớn trong giảm phát thải. Cùng với các lĩnh vực tiềm năng, chúng tôi đang thực hiện nhiều dự án trong ngành năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo quy mô lớn, lưu trữ năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbo, sử dụng Hydrogen, amoniac, chuyển đổi năng lượng (chuyển đổi nhà máy điện than…). 

Theo ông Iino Satoru, trong số 30 quốc gia đối tác của JCM trên thế giới, 250 dự án triển khai với tổng đầu tư hơn 3 tỷ USD, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á hoạt động tích cực nhất.

Trong 250 dự án JCM, Việt Nam có khoảng 50 dự án tập trung vào hiệu quả năng lượng, tiêu thụ năng lượng, năng lượng điện gió, giao thông vận tải… Điển hình là dự án điện sinh khối 20MW tại Hậu Giang, đóng góp cho phát triển năng lượng xanh; dự án xử lý rác thành năng lượng tại Bắc Ninh có quy mô lớn nhằm giảm nhẹ khí metan tại bãi chôn lấp, giảm phát thải khí nhà kính…

Nhấn mạnh các tiềm năng từ triển khai JCM, ông Iino Satoru nêu rõ các dự án tập trung vào lĩnh vực mới có tiềm năng lớn trong giảm phát thải. “Cùng với các lĩnh vực tiềm năng, chúng tôi đang thực hiện nhiều dự án trong ngành năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo quy mô lớn, lưu trữ năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon…

Liên quan đến cập nhật các quy tắc và hướng dẫn của JCM, cả hai chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện sửa đổi quy tắc hướng dẫn nhằm vận hành cơ chế, phù hợp với Điều 6, qua đó cho phép phê duyệt tín chỉ JCM như là kết quả giảm nhẹ được chuyển giao quốc tế.

Về cơ bản, các nguyên tắc, điều khoản, cơ sở hạ tầng (thủ tục, dữ liệu, thông tin) đã và đang được xây dựng hoàn thiện. Ông Iino Satoru nhấn mạnh với các công ty tư nhân rằng hệ thống đã sẵn sàng để triển khai.

Điều quan trọng là thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyển đổi năng lượng và công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, mà các doanh nghiệp Nhật Bản đã thành công triển khai tại Việt Nam.

Để hỗ trợ quá trình này, tháng 4/2025, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập cơ quan mới JCM Agency (JCMA). Toàn bộ quy trình từ xây dựng dự án đến cấp tín chỉ carbon sẽ được đơn giản hóa các bước thủ tục cho các nước đối tác, trong đó có Việt Nam.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2025 phát hành ngày 21/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-30.html

Chuẩn bị điều kiện cho vận hành, phát triển thị trường carbon - Ảnh 3