14:15 08/04/2024

Chuẩn bị khai thác cát biển ở Sóc Trăng phục vụ các dự án đường cao tốc

Thiên Ân

Theo kế hoạch, nếu các thủ tục, quy trình thực hiện được hoàn tất trong tháng 4 này, tháng 5/2024, các nhà thầu sẽ bắt đầu khai thác cát biển tại Sóc Trăng nhằm cung cấp lượng cát san lấp cho các dự án cao tốc trong khu vực.

Dùng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc ở vùng ĐBSCL. Ảnh mang tính minh họa.
Dùng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc ở vùng ĐBSCL. Ảnh mang tính minh họa.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng vừa có cuộc làm việc với Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), về thủ tục giao mỏ cát biển thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án cao tốc, trong đó có dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau.

Ban Mỹ Thuận cho biết đã có văn bản giới thiệu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (nhà thầu VNCN E&C) là đơn vị đầu mối thay mặt các nhà thầu thi công dự án, để làm việc với chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục cấp quyền khai thác theo quy định. Nhà thầu này cũng có văn bản báo cáo phương án đồng thời đã thực hiện khảo sát địa hình, địa chất trên diện tích khoảng 100 ha, tại khu B1, tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng cát ước tính sơ bộ khoảng từ 3 - 3,5 triệu m3.

TẬN DỤNG THỜI TIẾT THUẬN LỢI

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Mỹ Thuận cũng cho biết thêm là hiện tại, việc triển khai khai thác cát biển làm vật liệu san lấp thay thế cát sông dựa trên cơ sở kết quả thi công thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền tại vị trí đường hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, do Ban Mỹ Thuận thực hiện trước đó. Các nhà thầu thi công đang tiến hành khảo sát trên biển khu vực tỉnh Sóc Trăng để khoanh vùng khu vực dự kiến khai thác.

Sau khi hoàn thành những phần việc này, Ban Mỹ Thuận sẽ trình Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng hồ sơ đăng ký khu vực, trữ lượng, thiết bị, công suất khai thác làm cơ sở để cấp xác nhận. Dự kiến ngày 09/4 sắp tới sẽ trình toàn bộ hồ sơ liên quan.

Cụ thể quy trình như sau: Sau khi có văn bản ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà thầu hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản trình Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng thẩm định. Sở này tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định ban hành bản xác nhận khối lượng khai thác. Khi được Uỷ ban nhấn dân tỉnh giao mỏ cát, nhà thầu lập phương án an toàn giao thông hàng hải trình Cảng vụ Hàng hải chấp thuận.

Ban Mỹ Thuận Mỹ Thuận cũng kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng rút ngắn thời gian thực hiện và triển khai song song các thủ tục cấp mỏ cát biển cho nhà thầu sau khi có văn bản ủy quyền từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, để hoàn thành thủ tục trong tháng 4 và khai thác vào đầu tháng 5/2024 nhằm tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi.

Đồng thời, Ban Mỹ Thuận cũng kiến nghị tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát các thủ tục và hướng dẫn nhà thầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định cùng các loại thuế, phí liên quan khác nhằm bảo đảm đủ điều kiện cho nhà thầu tiến hành khai thác ngay sau khi được cấp quyền.

“Trong trường hợp chưa xây dựng được đơn giá thuế, phí để áp dụng ngay khi cấp quyền khai thác cho nhà thầu thì kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng vận dụng theo đơn giá của tỉnh Trà Vinh hoặc các tỉnh khác có nội dung tương tự”, ông Trần Văn Thi đề nghị.

CÁT BIỂN - NGUỒN VẬT LIỆU DỒI DÀO 

Trong năm 2023, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, từ cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.

Cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025.
Cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Mỹ Thuận đã tiến hành thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với khối lượng trên 1 triệu m3 để triển khai thí điểm.

Dự án được nghiên cứu thí điểm là một đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300 m của tỉnh lộ 978 tại lý trình Km 79+820 dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Sau thời gian thử nghiệm thí điểm và tiến hành quan trắc kể từ cuối tháng 3/2023, đến nay kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định khi có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau.

Ngày 25/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao kết quả dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” cho tỉnh Sóc Trăng.

Đến ngày 18/3/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông.

Theo đó, việc triển khai thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả vừa qua, tại đường tỉnh 978 thuộc dự án thành phần đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, kết quả cho thấy cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “nền đường - thi công và nghiệm thu”.

Cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình quản lý khoáng sản trên địa bàn cùng một số kiến nghị liên quan đến nguồn vật liệu san lấp thay thế.

Tỉnh này kiến nghị các cơ quan trung ương sớm xem xét nguồn vật liệu thay thế; cụ thể sớm đưa cát biển vào phục vụ các công trình xây dựng giao thông, đặc biệt các các dự án cao tốc đang triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025 cho 4 dự án cao tốc, gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Nếu tính tổng nhu cầu cát san lấp của cả 4 dự án cao tốc nói trên là xấp xỉ 54 triệu m3.