18:06 03/08/2015

Chứng khoán Hy Lạp chao đảo sau 5 tuần đóng cửa

Diệp Vũ

Cổ phiếu của hai nhà băng hàng đầu của Hy Lạp đồng loạt “bốc hơi” 30%

Chứng khoán Hy Lạp giảm điểm chóng mặt ngay khi mở cửa trở lại sau 5 tuần đóng cửa - Ảnh: CNBC/Getty/Bloomberg.<br>
Chứng khoán Hy Lạp giảm điểm chóng mặt ngay khi mở cửa trở lại sau 5 tuần đóng cửa - Ảnh: CNBC/Getty/Bloomberg.<br>
Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu sự lao dốc của chứng khoán Hy Lạp phiên 3/8, khi thị trường này mở cửa trở lại sau 5 tuần đóng cửa.

Theo hãng tin Bloomberg, cổ phiếu của hai nhà băng hàng đầu của Hy Lạp là Piraeus Bank và National Bank of Greece đồng loạt “bốc hơi” 30%, mức giảm kịch sàn cho phép đối với các cổ phiếu niêm yết trên sàn Athens.

Chỉ số ASE Index của thị trường chứng khoán Hy Lạp lao dốc 19%, mạnh chưa từng có từ trước đến nay, xuống chưa đầy 650 điểm vào lúc hơn 12 giờ trưa theo giờ địa phương. Trước đó, có thời điểm chỉ số này giảm 23%.

Đây là mức điểm thấp nhất của thị trường chứng khoán Hy Lạp kể từ tháng 9/2012.

“Thị trường chứng khoán Hy Lạp sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nhiều, trước khi tình hình có sự khởi sắc”, ông Luca Paolini, chiến lược gia trưởng của Pictet Asset Management ở London nhận xét. “Vẫn còn có những rủi ro mang tính sống còn cần phải giải quyết trên thị trường”.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng của Hy Lạp đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/4, thời điểm mà các cổ phiếu này chạm mức giá thấp kỷ lục. Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng của Hy Lạp đã sụt 52%, tiến tới năm giảm thứ 6 liên tục dưới sức ép của cuộc khủng hoảng nợ công.

Trong 3 ngày giao dịch đầu tiên sau khi thị trường mở cửa trở lại, cơ quan chức năng của Hy Lạp áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đà sụt giảm sâu. Chẳng hạn, các lệnh đặt mua hoặc bán với mức giá chênh lệch từ 7% so với giá giao dịch gần nhất sẽ bị dừng giao dịch tự động trước khi được nối lại thông qua đấu giá. Ngoài ra, giá cổ phiếu cũng không được giảm quá 30% trong 1 phiên giao dịch.

Thị trường chứng khoán Hy Lạp đã đóng cửa từ tháng 6 sau khi Thủ tướng nước này Alexis Tsiprs kêu gọi trưng cầu dân ý về chấp nhận hay không các yêu cầu của chủ nợ để đổi lấy tiền cứu trợ. Sau khi cử tri Hy Lạp bỏ phiếu chống, nước này đã buộc phải đóng cửa các ngân hàng và tung các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng và các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy.

Hôm 20/7, các ngân hàng Hy Lạp đã mở cửa trở lại với dịch vụ bị hạn chế sau khi Chính phủ nước này “đầu hàng” trước các chủ nợ để đổi lấy gói viện trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro và tránh nguy cơ phải ra khỏi khối Eurozone.

Với việc rút tiền tiếp tục bị hạn chế ở mức 60 Euro mỗi ngày, người Hy Lạp hiện chỉ có thể mua cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm phái sinh và chứng quyền bằng nguồn tiền mới như tiền chuyển về từ nước ngoài, tiền mặt sẵn có trong tay, tiền cổ tức...

Dù Hy Lạp đã đạt thỏa thuận với chủ nợ, nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một trong ba chủ nợ của Hy Lạp đã dọa sẽ rút khỏi gói viện trợ thứ ba dành cho nước này nếu các chủ nợ còn lại là Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nhất trí giảm nợ cho Athens.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu như Đức phản đối việc giảm nợ vì lo sẽ đặt ra tiền lệ cho các nước nặng nợ khác trong Eurozone.

Đối với Hy Lạp, thời gian đang là vấn đề quan trọng, bởi Athens cần được giải ngân tiền cứu trợ trước khi đáo hạn phải trả 3,2 tỷ Euro tiền nợ cho ECB vào ngày 20/8 tới.