07:43 25/04/2023

Chứng khoán Mỹ “dùng dằng” trong lúc chờ các báo cáo quan trọng, giá dầu tăng hơn 1%

Bình Minh

Nhà đầu tư ở Phố Wall đang cảm thấy bất an trước khi những báo cáo kinh tế quan trọng được công bố trong tuần này, bao gồm số liệu về tăng trưởng GDP và lạm phát...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/4) với chỉ số Nasdaq giảm điểm trong khi hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước khi đón nhận các thống kê kinh tế quan trọng và kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ vốn hoá lớn trong tuần này. Giá dầu tăng hơn 1% nhờ kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 66,44 điểm, tương đương tăng 0,2%, đạt 33.875,4 điểm. S&P 500 tăng 0,09%, đạt 4.137,04 điểm. Nasdaq giảm 0,29%, còn 12.037,2 điểm.

Gây áp lực giảm lên các chỉ số trong phiên này là loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Microsoft - những công ty sẽ công bố báo cáo tài chính quý 1 trong tuần này. Cổ phiếu Tesla cũng giảm 1,5% sau khi hãng xe điện nâng dự báo về đầu tư tài sản cố định trong năm nay để tăng cường sản lượng.

Cổ phiếu Microsoft đã tăng hơn 17% từ đầu năm đến nay, nhưng bị bán mạnh trong phiên ngày thứ Hai do nhà đầu tư lo lắng về kết quả kinh doanh mà hãng dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Chốt phiên, Microsoft giảm 1,4%. Tuần này còn có những cái tên lớn như Amazon, Alphabet và Meta Platforms công bố báo cáo tài chính.

Sự phục hồi của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đã hỗ trợ mạnh cho chứng khoán Mỹ trong năm nay, nên nhà đầu tư lo ngại về việc sự hỗ trợ này có thể duy trì hay không trong bối cảnh triển vọng kinh tế xấu đi.

“Mọi người đang có khuynh hướng nghĩ rằng xu hướng tăng có thể không tiếp tục trong mua báo cáo tài chính này, dù các báo cáo được công bố nhìn chung tốt hơn dự báo. Kết quả tốt hơn kỳ vọng chẳng qua là bởi kỳ vọng được đặt ở mức thấp”, Giám đốc giao dịch Randy Frederick của ngân hàng đầu tư Charles Schwab nhận định với hãng tin Reuters.

Ông Frederick nói rằng nhà đầu tư ở Phố Wall đang cảm thấy bất an trước khi những báo cáo kinh tế quan trọng được công bố trong tuần này, bao gồm số liệu về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào ngày thứ Năm và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE là một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng và có ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của Fed.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, năng lượng là nhóm mạnh nhất phiên này với mức tăng 1,5%, trong khi công nghệ là nhóm yếu nhất với mức giảm 0,4%.

Chứng khoán Mỹ đã trụ vững trong giai đoạn đầu của mùa báo cáo tài chính nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của các ngân hàng lớn. Những kết quả này giúp xoa dịu mối lo về sự lây lan rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực xảy ra hồi tháng 3.

Trong số 90 công ty trong S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý 1 tính đến thời điểm này, gần 77% vượt dự báo của giới phân tích, so với tỷ lệ bình quân dài hạn là 66% - theo dữ liệu của Refinitiv IBES.

Các số liệu kinh tế tốt, xấu đan xen trong tuần trước củng cố khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5. Thị trường đang đặt cược khả năng này ở mức 92%. Tuy nhiên, nhà đầu tư dường như đáng quan tâm nhiều hơn đến việc liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 và có chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.

Các quan chức Fed phát biểu trong tuần trước đều nói rằng Fed còn nhiều việc phải làm để kéo lạm phát xuống. Từ tuần này, theo quy định, các quan chức Fed sẽ giữ im lặng cho tới khi Fed họp xong.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent gao sau tại London tăng 1,07 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 82,73 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,89 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 78,76 USD/thùng.

Nhà đầu tư lạc quan rằng hoạt động đi lại trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Tuần trước, giá cả hai loại dầu cùng giảm 5%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp, khi số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng ở nước này giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mối lo về lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế cũng gây bất lợi cho giá “vàng đen”.

Sự phục hồi kinh tế không đều của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã khiến giới phân tích vừa lạc quan vừa thận trọng về triển vọng nhu cầu dầu. Dù vậy, số liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu cho thấy nước này nhập khẩu dầu thô nhiều kỷ lục trong tháng 3.

Lượng đặt vé du lịch ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ sắp tới cho thấy sự phục hồi tiếp diễn, nhưng còn ít hơn nhiều so với mức trước Covid do giá vé máy bay các tuyến dài tăng mạnh và không có đủ chuyến bay.

Sự thắt chặt nguồn cung do OPEC+ giảm sản lượng khai thác dầu cũng tiếp tục là một nhân tố hỗ trợ giá dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước đồng minh ngoài khối gồm Nga.

“Kết hoạch giảm sản lượng của liên minh OPEC+ và triển vọng nhu cầu dầu tăng ở Trung Quốc có thể kích giá dầu tăng trong những phiên tới”, nhà phân tích độc lập Sugandha Sachdeva nhận định.