Chứng khoán Mỹ giảm 4 phiên liên tiếp vì nỗi lo lãi suất, giá dầu sụt hơn 3%
“Thị trường đã trở nên thận trọng hơn. Tôi bây giờ cũng thận trọng hơn so với so với chính tôi trong 5 tháng vừa rồi”, một chiến lược gia nói...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/4), với chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh mối lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Giá dầu thô cũng có một phiên giảm mạnh khi chưa có thêm diễn biến theo thang mới liên quan đến cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,58%, còn 5.022,21 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,15%, còn 15.683,37 điểm. Chỉ số Dow Jones tụt 45,66 điểm, tương đương giảm 0,12%, còn 37.753,31 điểm.
Công nghệ là nhóm gây áp lực giảm mạnh nhất lên thị trường phiên này, với cổ phiếu hãng chip Nvidia và nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác cùng bị bán mạnh dưới áp lực từ triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn. Nvidia đóng cửa với mức giảm gần 4%; Meta, Apple và Microsoft cũng đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ, khiến cả nhóm công nghệ trong S&P 500 giảm 1,7% phiên này.
Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq, chuỗi phiên giảm dài nhất của mỗi chỉ số kể từ đầu tháng 1. Đây cũng là phiên giảm thứ 7 trong vòng 8 phiên trở lại đây của Dow Jones, đồng thời là phiên thứ ba liên tiếp mà thị trường mở cửa trong trạng thái tăng nhưng đà tăng ngày càng đuối và cuối cùng hoàn tất phiên trong trạng thái giảm.
Sau khi tăng mạnh trong quý 1, thị trường đã chuyển sang xu hướng giảm kể từ đầu tháng 4 này. Tính từ đầu tháng, Dow Jones đã giảm hơn 5%, trong khi S&P 500 và Nasdaq đã giảm hơn 4% mỗi chỉ số.
“Thị trường đã trở nên thận trọng hơn. Tôi bây giờ cũng thận trọng hơn so với so với chính tôi trong 5 tháng vừa rồi”, chiến lược gia Larry Tentarelli của công ty Blue Chip Daily Trend Report nói với hãng tin CNBC.
Hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng chính sách tiền tệ có thể sẽ phải thắt chặt trong một thời gian dài hơn so với dự kiến vì tiến trình giảm lạm phát đang chững lại. Tuyên bố này của ông Powell làm suy yếu những kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Thị trường hiện tại cho rằng Fed sẽ đợt đến tháng 9 mới bắt đầu hạ lãi suất và có thể chỉ có 1 đợt giảm trong cả năm 2024.
“Việc ông Powell đẩy lùi kỳ vọng về hạ lãi suất có vẻ đã bắt đầu làm gia tăng mối băn khoăn trên thị trường, và củng cố kịch bản lãi suất cao hơn lâu hơn”, chiến lược gia Ryan Detrick của công ty Carson Group nói với hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, CEO Jay Hatfield của công ty InfraCap nhận định nhà đầu tư đang “bi quan quá mức” về vấn đề lãi suất. Ông cho rằng từ nay đến tháng 6, Fed sẽ sẵn sàng cho việc giảm lãi suất.
“Cho tới khi đó, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giằng co. Một mặt, mối lo lãi suất gây áp lực giảm, nhưng mặt khác tình trạng khả quan của nền kinh tế và kết quả kinh doanh tốt của các công ty niêm yết sẽ hỗ trợ thị trường”, ông Hatfield nói thêm.
Đến hiện tại, mới có chưa đầy 10% số công ty thành viên của S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 1. Trong đó, hơn ¾ đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của giới phân tích - theo dữ liệu từ FactSet.
Căng thẳng ở Trung Đông chưa có thêm diễn biến leo thang mới nhưng vẫn ở mức cao. Các cuộc đàm phán ngừng bắn cho dải Gaza vẫn tiếp diễn, trong khi giới quan sát vẫn chờ xem liệu Israel có đáp trả vụ tấn công của Iran nhằm vào nước này vào cuối tuần vừa rồi.
Nhà đầu tư trên thị trường năng lượng đánh giá thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran, và đánh giá này làm suy yếu phần bù rủi ro địa chính trị, khiến giá dầu có một phiên giảm mạnh.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,67 USD/thùng, tương đương giảm 3,13%, còn 82,69 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,73 USD/thùng, tương đương giảm 3,03%, còn 87,29 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu WTI và dầu Brent đều đã giảm hơn 3,4%.
“Giá dầu đang làm công việc giảm bớt phần bù rủi ro chiến tranh vốn đã được phản ánh vào giá dầu kể từ khi chiến tranh Isrel-Hamas nổ ra ở dải Gaza và sau đó là cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel”, nhà phân tích John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định, cho rằng đến hiện tại, Israel đang hưởng ứng lời kêu gọi kiềm chế của cộng đồng quốc tế.
Theo Chủ tịch Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates, bất ổn ở Trung Đông hiện chưa dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung dầu và ít có khả năng Israel sẽ đáp trả bằng cách tấn công vào một cơ sở dầu khí của Iran.
“Các kịch bản cho rằng căng thẳng Iran-Israel dẫn đến gián đoạn nguồn cung dầu đã suy yếu. Hoà bình khó lập lại, nhưng dòng chảy dầu thô vẫn tiếp tục”, Giám đốc điều hành Manish Raj của công ty Velandera Energy Partners phát biểu.