Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước khi ông Biden công bố gói kích cầu khổng lồ
Cả ba chỉ số cùng giảm điểm sau khi thị trường đón nhận dữ liệu việc làm xấu và trước khi ông Biden đưa ra kế hoạch kích cầu
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/1), trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden công bố một kế hoạch kích cầu quy mô lớn và sau khi dữ liệu mới cho thấy thị trường việc làm của nước này tiếp tục suy yếu.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng nhiều hơn dự báo trong tuần trước, cho thấy ảnh hưởng bất lợi mà làn sóng Covid-19 mới đang gây ra cho kinh tế Mỹ.
Theo Reuters, trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giữ được trạng thái "xanh" nhờ kỳ vọng vào một kế hoạch kích cầu có thể lớn hơn 1,5 nghìn tỷ USD từ ông Biden. Nhưng về sau, chỉ số trở nên đuối sức và chốt phiên trong sắc đỏ.
"Thị trường chịu sự tác động giằng co giữa một bên là triển vọng kích cầu mạnh hơn, một kết quả của việc Đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện Quốc hội, và bên kia là một thị trường việc làm sẽ phải mất nhiều thời gian để hồi phục", chiến lược gia Emily Roland thuộc John Hancock Investment Management phát biểu. "Những yếu tố trái chiều này sẽ khiến thị trường khó xác định xu hướng".
Tuy nhiên, ông Roland cũng nhấn mạnh rằng dữ liệu việc làm gây thất vọng có thể "tạo thêm lý do để ông Biden phải đưa ra những chi tiết cụ thể hơn về kế hoạch kích cầu".
"Mọi người đều chờ nghe chi tiết của kế hoạch… Cho dù là 1 nghìn tỷ hay 2 nghìn tỷ USD, đó cũng là một gói kích cầu lớn", bà Roland nói.
Dẫn nguồn thạo tin, tờ The New York Times nói ông Biden sẽ đưa ra một gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD. Và vị Tổng thống đắc cử đã giới thiệu một kế hoạch như vậy sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm.
Gần đây, S&P 500 đã tăng nhiều nhờ kỳ vọng vào kế hoạch kích cầu nay, nên nhà quản lý danh mục cấp cao Robert Pavlik của Dakota Wealth cho rằng nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu sau khi kế hoạch được chính thức đưa ra.
Một số chuyên gia khác, như ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành (CEO) của Horizon Investment Services, cho rằng nhà đầu tư sẽ đi tìm những điểm bất lợi từ kế hoạch chi tiêu khổng lồ. "Sẽ có người nhận thấy rằng bơm thêm 2 nghìn tỷ USD là quá mức. Đã có mối lo về sự tái xuất của lạm phát, và số tiền này thực sự làm gia tăng nỗi lo đó", ông Carlson nói.
Trong phiên, hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều có thời điểm lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, khi đóng cửa, Dow Jones giảm 0,22%, con 30991,52 điểm và chỉ số Nasdaq giảm 0,12%, con 13.112,64 điểm.
S&P 500 chốt phiên với mức giảm 0,38%, còn 3.795,54 điểm.
Gần đây, nhà đầu tư ở Phố Wall đã giữ một niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ không sớm nâng lãi suất hay thu hẹp chương trình mua tài sản. Dù vậy, nếu áp lực lạm phát gia tăng vì kế hoạch kích cầu của ông Biden, Fed có thể sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn. Môi trường lãi suất tăng không có lợi cho giá cổ phiếu.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 4 nhóm tăng phiên này. Trong đó, mức tăng mạnh nhất 3% thuộc về nhóm năng lượng nhờ giá dầu đi lên.
Các diễn biến chính trị ở Washington dường như không tác động nhiều đến thị trường trong phiên này. Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị luận tội 2 lần, sau khi Hạ viện thông qua một nghị quyết luận tội ông, với cáo buộc rằng ông kích động vụ bạo loạn ở Capitol Hill hôm 6/1.
Phiên ngày thứ Sáu, thị trường sẽ khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020 với báo cáo đến từ các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 2,24 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,51 lần. Các nhà đầu tư chuyển nhượng thành công 14,37 tỷ cổ phiếu, so với mức bình quân 12,54 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.