07:38 29/02/2024

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước ngày công bố dữ liệu quan trọng, giá dầu giằng co, bitcoin vượt 60.000 USD

Bình Minh

Tuần này, thị trường đã cho thấy rõ sự chật vật và đang tiến tới tuần giảm điểm thứ hai trong vòng 3 tuần trở lại đây...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/2), trong lúc nhà đầu tư đợi một báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến công bố trong tuần này. Giá các loại dầu thô kết thúc phiên trong trạng thái không đồng nhất do một mặt lượng dầu tồn trữ của Mỹ tăng mặt khác do OPEC+ cân nhắc tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,17%, chốt ở mức 5.069,76 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,55%, còn 15.947,74 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 23,39 điểm, tương đương giảm 0,06%, còn 38.949,02 điểm.

Giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đang chờ Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng - để có một cái nhìn rõ hơn về tình hình lạm phát, từ đó điều chỉnh kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm 2024.

“Thị trường đang rón rén trước khi báo cáo PCE được công bố”, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capial Advisors nhận định với hãng tin CNBC.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã nỗ lực để duy trì xu hướng tăng sau khi Dow Jones và S&P 500 thiết lập những mức điểm kỷ lục mới trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, tuần này, thị trường đã cho thấy rõ sự chật vật và đang tiến tới tuần giảm điểm thứ hai trong vòng 3 tuần trở lại đây.

Xung lực tăng suy yếu, nhất là ở lĩnh vực cổ phiếu công nghệ, đang khiến nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đặt ra câu hỏi về sự tăng điểm của thị trường nhờ vào cơn sốt cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI). “Cơn sốt AI có thể sẽ không bền vững vì phần nhiều sự tăng giá cổ phiếu do AI đều xuất phát từ các chiêu marketing và quảng cáo. Chỉ một vài công ty là thực sự có được tăng trưởng doanh thu rõ rệt nhờ AI”, Giám đốc đầu tư David Bahnsen của côn ty The Bahnsen Group nhận định với CNBC.

Giữa lúc sức nóng của cổ phiếu AI có dấu hiệu nguội bớt, thị trường còn lo ngại về khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số PCE tháng 1 tăng 0,3% so với tháng trước, sau khi tăng 0,2% trong tháng 12. Nếu con số được đưa ra cho thấy lạm phát cao hơn so với kỳ vọng, thị trường sẽ tiếp tục đẩy lùi các kỳ vọng về lãi suất, và giá cổ phiếu sẽ tiếp tục gặp bất lợi.

Gần đây, sau khi đón các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuấ (PPI) nóng hơn dự báo, nhà đầu tư đã không còn kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 3 nữa, và thay vào đó cho rằng phải đến tháng 6 Fed mới bắt đầu hạ lãi suất.

“Thị trường sẽ thận trọng cho tới khi báo cáo PCE được công bố. Giá cổ phiếu sẽ giằng co. Từ các báo cáo CPI và PPI có thể thấy rằng lạm phát cứng đầu hơn so với dự báo và thậm chí có tiềm năng tăng lại”, chiến lược gia Jack Janasiewicz của công ty Natixis Investment Managers Solutions nói với hãng tin Reuters.

Chứng khoán thế giới cũng giảm điểm trong phiên này, với chỉ số MSCI All Country World Index mất 0,33%. Tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx 600 đóng cửa với mức giảm 0,35%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 4 tại New York giảm 0,33 USD/thùng, tương đương giảm 0,42%, còn 78,54 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,03 USD/thùng, còn 83,68 USD/thùng.

Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này là dữ liệu hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu tồn trữ của nước này tăng 4,2 triệu thùng trong tuần trước. Tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng trong thời gian gần đây do nhu cầu đầu vào của các nhà máy lọc dầu có chiều hướng chậm lại.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Tính từ đầu tháng, giá của dầu WTI và Brent đều đã tăng khoảng 6,3%.

Ngoài ra, giá dầu còn đang được nâng đỡ bởi khả năng OPEC+ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng. Chương trình giảm sản lượng khai thác dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày mà liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga nhất trí vào tháng 11 năm ngoái sẽ hết hạn vào cuối quý 1 năm nay. Tuy nhiên, theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Reuters, OPEC+ dự định sẽ gia hạn chương trình đến hết quý 2.

Theo một nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs, việc OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng sẽ giải toả áp lực giảm đối với giá dầu và giữ giá dầu Brent trong vùng 70-90 USD/thùng. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng phần bù rủi ro địa chính trị đối với giá dầu chỉ ở mức hạn chế vì cho tới thời điểm này, sản lượng khai thác dầu chưa bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Trung Đông.

Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin tăng ngày thứ 5 liên tiếp nhờ sự hưng phấn của nhà đầu tư với các quỹ ETF bitcoin giao ngay. Tháng này, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đã tăng gần 40%,  tiến tới hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2020.

Có thời điểm trong phiên ngày thứ Tư, giá bitcoin đạt hơn 60.100 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.