Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu xuống đáy 5 tháng, Bitcoin gần 45.000 USD
“Phiên ngày hôm nay là sự đảo ngược một chút xu hướng tăng của tháng 11. Còn quá sớm để kết luận là tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư đã hết hay chưa”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/12), khi nhà đầu tư hành động chậm lại để “tiêu hoá” đợt tăng vừa qua và nghiền ngẫm về triển vọng chính sách tiền tệ. Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 do lo ngại kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ thiếu thực chất, trong khi lạc quan về quỹ ETF bitcoin tiếp tục đưa giá của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới tiếp tục tăng mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 79,88 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 36.124,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,06%, còn 4.567,18 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,31%, đạt 14.229,91 điểm, do cổ phiếu công nghệ vượt trội so với các nhóm khác trong phiên này.
Cổ phiếu Apple tăng 2%, đóng cửa ở mức 193,42 điểm, đưa giá trị vốn hoá thị trường chốt phiên trên mức 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 8. Vốn hoá của “táo khuyết” chính thức đóng cửa trên 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào tháng 6 và có thời điểm chớp nhoáng đạt mốc này vào tháng 12/2022. Dù cổ phiếu Apple đã giảm so với mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào hôm 31/7, nhà sản xuất iPhone vẫn đang là công ty đại chúng đắt giá nhất ở Mỹ.
Trước phiên giảm này, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đã mất điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu thị trường đã tăng quá nhanh và quá xa hay không. Trước đó, giá cổ phiếu ở Phố Wall đã có chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp.
“Phiên ngày hôm nay là sự đảo ngược một chút xu hướng tăng của tháng 11. Còn quá sớm để kết luận là tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư đã hết hay chưa”, chiến lược gia trưởng Rhys Williams của công ty Spouting Rock nhận định với hãng tin CNBC.
Cả ba chỉ số vẫn đang giữ được thành quả tăng của của và của năm, phản ánh sức mạnh của thị trường trong một năm đầy biến động dưới sức ép của lãi suất cao, triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu, và căng thẳng địa chính trị.
Số liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy thị trường việc làm của Mỹ đang suy yếu, khi số lượng việc làm cần tuyển dụng nhân sự trong tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Điểm dữ liệu này củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 3/2024. Báo cáo việc làm tổng thể tháng 11 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này sẽ mang lại một cái nhìn sáng tỏ hơn về tình trạng của thị trường lao động-việc làm.
Triển vọng lãi suất sớm giảm kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm dưới mốc chủ chốt 4,2%.
Thời gian gần đây, kỳ vọng mới về lãi suất và xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu nhà những nhân tố quan trọng đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm. Tuy nhiên, ở phiên này, những yếu tố đó hầu như không phát huy được tác dụng đưa cổ phiếu bứt phá.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng gần 100% Fed không thay đổi lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới, còn khả năng giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đã lên tới 65%.
Phiên này “phản ánh sự bấp bênh mà thị trường đang đối mặt về đường đi của lãi suất. Nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn cả về các dữ liệu kinh tế và khả năng Fed có thể thay đổi ý định”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin Reuters.
Sự lạc quan của giới đầu tư rằng nhà chức trách Mỹ sắp phê chuẩn hồ sơ xin mở quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay đã đưa giá tiền ảo này vượt qua mốc 44.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022.
Lúc gần 8h sáng nay (6/12), giá bitcoin đứng ở mức 43.964 USD, tăng hơn 5% so với cách đó 24 tiếng và tăng 16% so với cách đó 1 tuần. Có thời điểm trước đó giá bitcoin đạt 44.903 USD, cao nhất kể từ hôm 7/4/2022 - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.
Phiên tăng này đưa bitcoin đạt mức tăng giá hơn 160% từ đầu năm đến nay. Đồng tiền ảo lớn thứ nhì là ether cũng đã tăng 88% từ đầu năm.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI giao tháng 1 tại New York giảm 0,72 USD/thùng, tương đương giảm 0,99%, còn 72,32 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 2 tại London giảm 0,83 USD/thùng, tương đương giảm 1,06%, còn 77,2 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 7, dù liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, mới đây đã gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày cho tới hết quý 1/2024. Thị trường nghi ngờ về sự thực chất của kế hoạch này, bởi nhiều quốc gia trong liên minh có thể không nghiêm túc thực hiện đúng mức hạn ngạch.
“Thoả thuận của OPEC+ hầu như chẳng hỗ trợ được gì cho giá dầu, xét tới việc giá dầu đã giảm 4 phiên liên tiếp sau khi thoả thuận được công bố”, nhà phân tích Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.
Phát biểu ngày 5/12, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói OPEC+ sẵn sàng giảm sản lượng dầu sâu hơn trong quý 1/2024 để xử lý tình trạng “đầu cơ và biến động” nếu mức cắt giảm sản lượng hiện tại là chưa đủ.