Mỗi người Thuỵ Sỹ có thể phải gánh 13.500 USD cho vụ giải cứu Credit Suisse
Đây chính là vụ giải cứu doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Thuỵ Sỹ và và lớn gấp hơn 3 lần vụ giải cứu UBS bằng 60 tỷ Franc hồi năm 2008...
Phí tổn mà người Thuỵ Sỹ phải gánh chịu cho việc giữ vững tuy tín trung tâm tài chính toàn cầu của nước này có thể lên tới 12.500 Franc, tương đương 13.500 USD, mỗi nam phụ lão ấu - theo hãng tin Bloomberg.
Để hỗ trợ cho vụ sáp nhập khẩn cấp ngân hàng bên bờ vực đổ vỡ Credit Suisse vào đối thủ đồng hương lớn hơn là UBS, Chính phủ Thuỵ Sỹ cam kết sẽ hỗ trợ tới 109 tỷ Franc cho thương vụ. Đây là một gánh nặng không hề nhỏ đối với đất nước 8,7 triệu dân. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) còn đứng ra bảo lãnh cho khoản 100 tỷ Franc không nằm trong diện bảo lãnh của Chính phủ - theo thoả thuận được công bố ngày 21/3.
Tổng số tiền 209 tỷ USD mà nhà chức trách Thuỵ Sỹ cam kết để hậu thuẫn cho vụ sáp nhập - mà nếu không được thúc đẩy một cách gấp rút vào ngày Chủ nhật đã có thể dẫn tới những đổ vỡ gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu - tương đương khoảng 1/4 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thuỵ Sỹ và vượt chi tiêu quốc phòng của toàn bộ châu Âu trong năm 2021. Đây chính là vụ giải cứu doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Thuỵ Sỹ và và lớn gấp hơn 3 lần vụ giải cứu UBS bằng 60 tỷ Franc hồi năm 2008.
Một lần nữa, những nhà ngân hàng với thu nhập cao được cứu, và điều này khiến một số người Thuỵ Sỹ bất bình. Khoảng 200 người đã biểu tình bên ngoài trụ sở của Credit Suisse ở Zurich vào ngày thứ Hai.
“Chúng tôi đã chán ngấy với ý tưởng là nếu các ông đủ lớn thì các ông có mọi thứ. Luật pháp đã thay đổi chỉ sau một cuối tuần”, ông Christoph Rechsteiner - một chuyên viên thuộc công ty tư vấn thuế MME ở Zurich - nói với Bloomberg.
Ngoài bảo lãnh tài chính cho vụ sáp nhập, Chính phủ Thuỵ Sỹ nhất trí thay đổi luật bằng cách bỏ qua sự phê chuẩn của cổ đông. Đồng thời, cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA cho ghi bút toán giảm về 0 số trái phiếu AT1 trị giá 16 tỷ Franc của Credit Suisse, đồng nghĩa các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu này mất trắng tiền.
“Giải pháp được vạch ra cho thấy nếu đầu xuôi đuôi lọt, UBS sẽ vớ bẫm trong vụ này. Họ có được Credit Suisse mà chẳng mất gì và còn được Chính phủ bảo lãnh cho rủi ro thua lỗ”, ông Rechsteiner nói.
Dù vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng chi phí cuối cùng của vụ giải cứu này sẽ không chạm đến những giới hạn mà Chính phủ Thuỵ Sỹ đặt ra, trong khi việc khoanh tay đứng nhìn sẽ gây tổn hại lớn hơn nhiều.
Giám đốc Manuel Ammann của Viện Ngân hàng và Tài chính Thuỵ Sỹ thuộc Đại học St. Gallen cho rằng rủi ro đối với khoản bảo lãnh 100 tỷ Franc mà SNB dành cho thương vụ UBS-Credit Suisse là ở mức hạn chế, nhưng “tôi thấy rủi ro lớn hơn ở khoản 9 tỷ Franc mà Chính phủ bảo lãnh cho thua lỗ quá mức ở Credit Suisse”.
Số tiền bảo lãnh của Chính phủ Thuỵ Sỹ đối với SNB sẽ được trang trải một phần bởi các loại chứng khoán và quyền ưu tiên trong phá sản, và điều này sẽ đảm bảo rằng ngay cả trong kịch bản xấu nhất, khoản bảo lãnh đó cũng sẽ được trang trải mà không cần phải rút ngân khố - theo ông Ammann. Nghĩa vụ nợ đối với sự bảo lãnh này của Chính phủ Thuỵ Sỹ sẽ chỉ phát sinh nếu thực thể sau sáp nhập rơi vào cảnh phá sản - ông Ammann cho biết thêm, mà điều này gần như phi thực tế ở thời điểm hiện tại.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, UBS nhận được 6 tỷ Franc từ Chính phủ Thuỵ Sỹ và chuyển 54 tỷ Franc tài sản rủi ro vào một quỹ do ngân hàng trung ương hậu thuẫn.
Sau cuộc khủng hoảng 2008, Chính phủ Thuỵ Sỹ đã áp quy chế “quá lớn để đổ vỡ” mới đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, quy chế này không thể ngăn được chuỗi vụ bê bối và những đảo lộn trong bộ máy quản lý ở Credit Suisse - những vấn đề rốt cục đã làm sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư vào nhà băng này.
Cũng theo quy chế trên, các ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống ở Thuỵ Sỹ đã phải chuyển đổi thành tập đoàn gồm nhiều công ty con. Cách làm này nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc xử lý gọn ghẽ khi xảy ra đổ vỡ và bảo vệ hoạt động ngân hàng bán lẻ trong nước. Về lý thuyết các bộ phận khác của Credit Suisse sẽ phải được thanh lý để ngăn ngừa rủi ro đối với hệ thống tài chính Thuỵ Sỹ.
Tuy nhiên, Chính phủ Thuỵ Sỹ đã không thực hiện quy chế này, và thay vào đó thúc đẩy việc áp nhập Credit Suisse vào UBS. Sự thiếu tin tưởng rõ ràng của Thuỵ Sỹ đối với chính các quy chế mà nước này đặt ra có thể sẽ gây ra tổn thất lớn cho hình ảnh của một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới - theo ông Ammann.
“Đến giờ, cả hai ngân hàng Thuỵ Sỹ đều phải được Chính phủ cứu. Đó là một lịch sử chẳng mấy tốt đẹp gì”, ông Ammann nhận định.