Chứng khoán Mỹ mất điểm sau phát biểu của ông Trump về thương mại, giá dầu tăng mạnh
Nhà đầu tư thất vọng sau khi ông Trump nói với Thủ tướng Canada rằng “chúng tôi không nhất thiết phải ký thỏa thuận”...

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/5), sau khi Tổng thống Donald Trump có những phát biểu gây thất vọng liên quan đến đàm phán thương mại và trong bối cảnh nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô tăng hơn 3% nhờ những tín hiệu về sự khởi sắc nhu cầu ở Trung Quốc và châu Âu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 389,83 điểm, tương đương giảm 0,95%, còn 40.829 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,77%, còn 5.606,91 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,87%, còn 17.689,66 điểm.
Đây là phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp của cả ba chỉ số sau chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp của Dow Jones và S&P 500. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận mức giảm mạnh, gây áp lực lên các chỉ số.
Tesla giảm 1,8% sau khi có số liệu cho thấy doanh số của hãng ở Anh và Đức trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm dù nhu cầu ô tô điện ở các nước này tăng. Goldman Sachs giảm 1,8%. Cổ phiếu Nvidia và Meta Platforms cũng chốt phiên trong sắc đỏ.
Vào buổi chiều ngày thứ Ba, ông Trump đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng với Thủ tướng Canada Mark Carney, khởi động cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc gặp này, ông Trump phát tín hiệu Washington sẽ không sớm đi đến thỏa thuận thương mại với các nước đối tác, nói rằng “chúng tôi không nhất thiết phải ký thỏa thuận”.
Tuyên bố này của ông Trump trái ngược với những gì Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent đã nói trước đó trong tuần này. Hôm thứ Hai, ông Bessent nói với CNBC rằng “chúng tôi đang tiến rất gần tới một số thỏa thuận. Hôm Chủ nhật, chính ông Trump cũng nói có thể sẽ có những thỏa thuận được ký kết ngay trong tuần này.
Trong một cuộc điều trần trước một ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ vào ngày thứ Ba, ông Bessent nhắc lại quan điểm sẽ sớm có thỏa thuận thương mại: “Khoảng 97-98% thâm hụt thương mại của chúng ta là với 15 quốc gia. 18% số quốc gia trên thế giới là đối tác thương mại chính của chúng ta. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu chúng ta không đàm phán xong với 80-90% số quốc gia đó trước cuối năm nay, có thể là sớm hơn nhiều”.
“Thị trường có thể lập đáy mới, ngay cả khi ông Trump giảm thuế quan cho Trung Quốc về 50%”, nhà quản lý quỹ phòng hộ Paul Tudor nói với hãng tin CNBC. “Ông ấy sẽ giảm thuế đối với Trung Quốc về khoảng 40-50%. Nhưng ngay cả khi giảm như vậy, thuế quan của Mỹ vẫn tăng mạnh nhất từ thập niên 1960. Bởi vậy, tăng trưởng kinh tế có thể mất đi 2-3 điểm phần trăm”.
Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed đã khởi động vào ngày thứ Ba và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư. Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% trong lần họp này. Mối quan tâm của các nhà giao dịch sẽ tập trung vào phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về tình hình kinh tế và những tín hiệu mà ông có thể đưa ra về đường đi của lãi suất.
“Môi trường bên ngoài đang gây áp lực đòi hỏi Fed hạ lãi suất, nhưng Fed nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất cho tới khi các yếu tố lớn ảnh hưởng tới nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn. Khi tác động của thuế quan bắt đầu ngấm vào nền kinh tế, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống so với những tháng gần đây”, nhà kinh tế trưởng Steve Rick của công ty TruStage nói CNBC.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,92 USD/thùng, tương đương tăng 3,19%, đóng cửa ở mức 62,15 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,16 USD/thùng, tương đương tăng 3,43%, chốt ở 59,09 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu đóng cửa phiên ngày thứ Hai ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 do liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và thành viên ngoài khối gồm Nga quyết định tăng mạnh sản lượng khai thác dầu tháng thứ hai liên tiếp. Với phiên tăng này, giá dầu thoát khỏi tình trạng kỹ thuật bị bán quá nhiều (oversold).
“Sau khi đánh giá động thái tăng sản lượng mới nhất của OPEC+, thị trường đang tập trung vào các diễn biến về đàm phán thương mại”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil nhận định.
Với triển vọng đạt thỏa thuận thương mại còn mờ mịt, giá dầu ở thời điểm hiện tại được đánh giá khó bứt phá rõ rệt. Liên minh châu Âu (EU) ngày thứ Ba tuyên bố khối này sẽ không chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ nếu thỏa thuận đó không công bằng. Hôm thứ Hai, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan lên dược phẩm nhập khẩu trong 2 tuần tới.
Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Ba, giá dầu được hỗ trợ bởi một số thông tin khả quan về kinh tế Trung Quốc và châu Âu. Tại Trung Quốc, dữ liệu ban đầu cho thấy người tiêu dùng tăng chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày. Tại châu Âu, các công ty niêm yết kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 đạt 0,4%, thay vì cú giảm 1,7% mà các nhà phân tích dự báo cách đây 1 tuần.
“Chúng tôi dự báo kinh tế Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái toàn diện trong năm nay, khi các thỏa thuận thương mại được ký kết và hàng rào thuế quan giảm xuống. Nhưng tốc độ tăng trưởng GDP có khả năng sẽ giảm mạnh từ mức 2,8% của năm ngoái xuống còn khoảng 1,5% trong năm nay”, Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ của công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Managenent, bà Solita Marcelli, nói với hãng tin Reuters.